FED không chỉ kiềm chế lạm phát mà còn thành công đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Ảnh: TL.
Cách nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm
Một câu hỏi thú vị được đặt ra: Nền kinh tế Mỹ giống với nhân vật hoạt hình nào?. Ý kiến chung trong những năm gần đây từ những nhà lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và tài chính cho rằng, nền kinh tế Mỹ có nhiều điểm tương đồng với Wile E. Coyote, chú cáo thông minh nhưng luôn gặp trắc trở trong việc bắt được con chim Road Runner.
Trước đây, nhiều chuyên gia nhận định đà tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ không thể tiếp tục trong bối cảnh lạm phát cao dai dẳng. Tuy nhiên, thực tế chứng minh kể từ cuối năm 2022, lạm phát hạ nhiệt trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn đứng vững.
Tính từ cuối năm 2019, nền kinh tế Mỹ đã trải qua giai đoạn phục hồi đáng kinh ngạc, với mức tăng trưởng khoảng 8% theo giá trị thực. Trong khi đó, khu vực euro chỉ tăng 3%, Nhật Bản tăng 1% và Anh không ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất đã phục hồi và đạt được mức tăng trưởng cao hơn trước đại dịch.
Giáo sư Alan Blinder tại Đại học Princeton cho biết, trong 6 thập kỷ qua, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã trải qua 11 chu kỳ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, chỉ có một chu kỳ vào năm 1994 là chu kỳ duy nhất mà nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái. Nhưng lần này, theo Giáo sư Blinder, FED không chỉ kiềm chế lạm phát mà còn thành công đưa nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.
Lần thành công này có ý nghĩa lớn trong lịch sử nước Mỹ, bởi nền kinh tế không chỉ không giảm tốc mà còn trên đà tăng trưởng. Theo cuộc khảo sát của Hiệp hội Kinh tế Doanh nghiệp Quốc gia, dự báo tăng trưởng cho năm 2024 đã tăng từ 1,3% lên 2,2%, gần bằng mức tăng trưởng 2% của năm 2023. Các Chuyên gia cũng cho rằng lạm phát sẽ giảm xuống mức 2,1% hàng năm vào cuối năm 2024, gần tiến đến mức mục tiêu 2% của FED.
Không chỉ các Chuyên gia kinh tế lạc quan, mà thị trường chứng khoán Mỹ cũng tiếp tục lập kỷ lục mới. Doanh thu của các doanh nghiệp dự kiến tăng mạnh trong năm nay. Trong khi người tiêu dùng cũng thể hiện thái độ sẵn sàng chi tiêu bất chấp những lo ngại về tài chính.
Theo các nhà kinh tế, thành công của Ngân hàng Trung ương đến từ việc tập trung vào yếu tố nhu cầu. Mọi yếu tố như tiêu dùng, đầu tư và thương mại quốc tế đã đóng góp vào sự tăng trưởng trong 2023 và có thể sẽ tiếp tục là động lực trong năm 2024. Có ba yếu tố chính là các vùng đệm, chất xúc tác tài chính và xuất khẩu đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Khi FED tăng lãi suất vào năm 2022 nhằm kiềm chế lạm phát, nền kinh tế ít nhiều đã bị ảnh hưởng. Khi đó, các Chuyên gia dự báo tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng 1 điểm phần trăm so với năm 2021. Còn trong năm 2023, tỉ lệ thất nghiệp đã không tăng mạnh sau khi FED tăng lãi suất với mục tiêu giảm phát. Điều này diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được chính phủ hỗ trợ theo một số chính sách.
Đầu tiên là gói kích thích kinh tế quy mô lớn mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã triển khai trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Vào năm 2020-2021, thâm hụt ngân sách của nước Mỹ trung bình là 14% GDP, hơn gấp đôi mức trung bình của eurozone là 6%. Nhưng đổi lại chính sách này đã góp phần vào việc tăng số dư trong tài khoản ngân hàng của người dân, từ việc trực tiếp hỗ trợ tài chính (như trợ cấp) đến việc gián tiếp hỗ trợ (như kích thích kinh tế phục hồi).
Số tiền tiết kiệm được người Mỹ tích luỹ trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến mạnh nhất. Các nhà nghiên cứu tại FED chi nhánh San Francisco, ước tính số tiền tiết kiệm dư thừa của các hộ gia đình vào tháng 8/2021 là 2,1 nghìn tỉ USD. Đầu năm 2023, Ngân hàng Trung ương dự đoán khoản tiền tiết kiệm này sẽ được sử dụng hết trong vài tháng, nhưng sau khi điều chỉnh dữ liệu vào cuối năm, các hộ gia đình Mỹ vẫn còn thừa khoảng 400 tỉ USD, đủ để chi tiêu trong nửa đầu năm 2024.
Tiếp đến là việc cho vay với lãi suất cố định. Tại Mỹ, người mua nhà thường nhận được khoản thế chấp với lãi suất cố định trong 30 năm. Lãi suất trung bình cho những khoản này hiện đang ở mức khoảng 4%, thấp hơn so với trước đại dịch và thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ 8% của các khoản thế chấp mới vào năm ngoái. Tuy nhiên, chính sách này có điều kiện là người mua nhà phải ở lại căn nhà đó. Điều đó có nghĩa nhiều người Mỹ sẽ không cảm nhận được tác động của lãi suất cao hơn.
Ngoài ra, chính sách tài khoá cũng được coi là một động lực cho nền kinh tế Mỹ và đang gia tăng tốc độ. Ba gói chi tiêu lớn đã được Quốc hội thông qua, về cơ sở hạ tầng, công nghệ sạch và chất bán dẫn, đang khuyến khích các công ty tư nhân và chính quyền bang chi tiêu mạnh tay. Việc xây dựng các nhà máy diễn ra sôi nổi, khi các nhà sản xuất ô tô điện và chất bán dẫn mở rộng hoạt động ở Mỹ.
Tổng cộng, đầu tư vào sản xuất đã đóng góp thêm khoảng 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2023. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng chậm hơn, nhưng dường như cũng đang tăng lên, với việc chính quyền bang và địa phương tận dụng nguồn tài trợ từ liên bang để xây dựng các con đường cao tốc, lưới điện, sân bay,...
“Tác dụng của những chính sách này bắt đầu được phản ánh trong dữ liệu kinh tế. Nó giữ cho suy thoái trong chu kỳ chậm lại”, ông Satyam Panday, chuyên gia từ S&P Global, cho biết.
Cuối cùng, là một nhà sản xuất dầu khí lớn, Mỹ đang được hưởng lợi giá cao từ những nơi khác mà không bị thiệt hại đáng kể. Khí đốt tự nhiên ở Mỹ có giá chỉ bằng 1/4 so với châu Âu, giúp người tiêu dùng giảm bớt áp lực tài chính để chi tiêu cho các hạng mục khác. Hơn nữa, Mỹ đã thu được lợi nhuận đáng kể từ xuất khẩu, trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới vào năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu đã đóng góp thêm 0,6 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng của Mỹ vào năm 2023.
Tuy nhiên, những thách thức vẫn chưa hoàn toàn biến mất, bao gồm sự biến động từ các cuộc xung đột trên toàn thế giới. Với nhu cầu mua sắm ngày càng tăng, năng suất cần phải duy trì tương ứng để tránh giá cả tăng vọt, nhưng điều này có thể gây áp lực lên tăng trưởng tiền lương, một vấn đề mà FED đang theo dõi chặt chẽ trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp giảm lãi suất nào.
Ngay cả khi những vấn đề này có thể được giải quyết, thì sự thành công của nền kinh tế Mỹ cũng đặt ra một khía cạnh thách thức khác: Làm thế nào để giải quyết xu hướng tăng lãi suất trong hai năm qua. Không ai biết chắc chắn mức lãi suất lý tưởng cho nền kinh tế là bao nhiêu. Mức lãi suất trung lập không chỉ đóng vai trò kích thích hoạt động kinh tế, mà còn là rào cản đối với hoạt động đó. Tuy nhiên, phạm vi lãi suất ngắn hạn hiện tại của Ngân hàng Trung ương là 5,25-5,5%, mức cao nhất trong hơn 20 năm, sẽ tác động tới tăng trưởng. Câu hỏi mà FED phải đặt ra là khi nào bắt đầu cắt giảm và thực hiện điều đó với tốc độ như thế nào.
Có thể bạn quan tâm:
Vì sao người Ấn Độ đổ xô đầu tư vào chứng khoán?
Nguồn The Economist