Ảnh: Nikkei Asian Review
Cách mạng năng lượng mặt trời: Thành công của Trung Quốc và bài học cho ASEAN
Bài học từ Trung Quốc
Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về sản xuất năng lượng sạch – đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc sở hữu 6 trong 10 công ty sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2018, Trung Quốc lắp đặt một nửa tổng công suất lượng năng lượng mặt trời mới trên toàn thế giới.
Vào năm 2018, Trung Quốc là đất nước đầu tiên lắp đặt hơn 100 gigawatt công suất năng lượng mặt trời, tương đương với lượng điện được sản xuất từ 75 nhà máy năng lượng hạt nhân.
Chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên đầu tư vào năng lượng mặt trời vì nó cho phép quốc gia này trực tiếp giải quyết những vấn đề về ô nhiễm không khí, thay đổi khí hậu và an ninh năng lượng, và các lợi ích liên quan – tài chính và môi trường – là rõ ràng. Những quốc gia thuộc khối ASEAN nên quan sát kỹ và học hỏi.
Vào năm 2005, chỉnh phủ Trung Quốc đã phát hiện rằng việc sản xuất năng lượng nhiên liệu hóa thạch là, nguyên nhân của 90% lượng khí lưu huỳnh đi-ô-xít (SO2) thải ra trên toàn quốc.
Theo Bộ Y tế Trung Quốc, ô nhiệm khí lưu huỳnh công nghiệp đã khiến ung thư trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Trung Quốc. Mỗi năm, ô nhiễm không khí đã giết chết hàng trăm nghìn người dân.
Hơn nữa, để đáp ứng các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Trung Quốc buộc phải tăng tỷ lệ năng lượng mặt trời trong năng lượng tổng hợp từ 2,3% năm 2015 lên 20% vào năm 2030. Điều này sẽ giảm bớt nhu cầu về 20 nhà máy nhiệt điện đốt than cỡ trung mới.
Trung Quốc đã đạt được thành công, với những kế hoạch nghiêm túc và phù hợp trên cả nước.
Chương trình Ánh sáng (Brightness Program), bắt đầu từ năm 1996, là chính sách đầu tiên mang điện đến những khu vực vùng sâu vùng xa (vốn không nằm trong lưới điện), thông qua năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhưng vào đầu thập niên 2000, Trung Quốc đã chuyển sang tập trung sản xuất các sản phẩm về năng lượng mặt trời để xuất khẩu, một phần là nhờ trợ cấp của châu Âu để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời.
Chính phủ cung cấp tín dụng xuất khẩu, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại một số công ty hàng đầu.
Chuyển giao công nghệ diễn ra chủ yếu thông qua việc mua thiết bị sản xuất từ những nước công nghiệp phát triển, các doanh nhân và nhân công lành nghề sẽ triển khai các dự án. Giữa năm 2000 và 2006, khoảng 95% mô-đun quang điện mặt trời do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu.
Điện than gây ra ô nhiễm lớn tại Trung Quốc. |
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các khoản trợ cấp châu Âu đã giảm bớt và vì thế chính phủ Trung Quốc tạo ra một thị trường nội địa khổng lồ dành cho các tấm pin năng lượng mặt trời thông qua các khoản trợ cấp của chính mình.
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai Dự án Golden Sun Demonstration Program, bắt đầu vào năm 2009. Chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư các khoản trợ cấp để thực hiện các dự án từ nguồn quỹ đặc biệt cho năng lượng tái tạo, với mục đích thúc đẩy công nghiệp hóa quy mô lớn sản xuất điện mặt trời ở Trung Quốc. Cụ thể, Nhà nuớc cung cấp các khoản trợ cấp tuơng đuơng 50% tổng vốn đầu tư cho các dự án trong đô thị. Mức trợ cấp sẽ tăng tới 70% cho các hệ thống quang điện ở vùng sâu, vùng xa chưa kết nối với lưới điện.
Khoản trợ cấp triển khai năng lượng mặt trời lần hai diễn ra vào năm 2011, với sự ra đời của giá điện feed-in tariff (TiF), để trả cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Tiền tài trợ cho chính sách này đến từ khoản phụ phí trong hóa đơn tiền điện của dân.
Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ cũng khuyến khích sự đổi mới. Vào năm 2015, Cơ quan Năng lượng Quốc gia đưa ra sáng kiến Front-runner (Người tiên phong), khuyến khích các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời mới sử dụng các sản phẩm tiên tiến với hiệu suất cao hơn, để minh chứng cho tiến bộ công nghệ của đất nước và giảm chi phí.
Để làm điều này, cơ quan này đấu thầu một số địa điểm có quy mô lớn, chất lượng cao cho những dự án năng lượng mặt trời. Cuộc cạnh tranh khốc liệt đã hạ giá thành xuống đến mức 0,45 NDT (0,06 USD) cho mỗi kilowatt giờ – gần bằng với mức giá năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện đốt than.
Nhưng kế hoạch này thành công quá đà: hệ thống không thế chứa hết năng lượng được sản xuất, dẫn đến việc bắt buộc phải cắt giảm sản xuất năng lượng. Vào năm 2018, Trung Quốc giới thiệu một chương trình trợ cấp thông minh, cắt giảm 20% FiT.
Sự thành công của Trung Quốc đồng nghĩa rằng giờ đây quốc gia này được xem là tấm gương để noi theo. Các nền kinh tế mới nổi trong ASEAN có thể làm như vậy không? Câu trả lời phụ thuộc vào việc họ có thể triển khai những chính sách đổi mới như Trung Quốc đã làm hay không.
Ba con đường để Asean cải thiện ngành năng lượng tái tạo
Các quốc gia ASEAN có thể cải thiện tình hình thông qua 3 con đường sau đây. Đầu tiên, đặt ra những mục tiêu vừa phải và có tính ràng buộc. Trung Quốc cam kết sản xuất 30% nguồn cung năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030 như một cách để giảm ô nhiễm không khí. Đây là động lực chính cho cuộc cách mạng năng lượng mặt trời của Trung Quốc.
Đối với những nền kinh tế mới nổi tại ASEAN, con đường này sẽ đòi hỏi những cuộc thảo luận chuyên sâu giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ, để đặt ra những mục tiêu và nghiêm túc thực mục tiệu đó, đôi khi kèm theo các chế tài pháp luật.
Thứ hai, một chính sách kết hợp giữa công nghiệp và năng lượng là điều cần thiết để giúp ngành năng lượng mặt trời phát triển nhanh chóng, khi ngành này luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên các thị trường quốc tế. Trung Quốc đã chứng kiến nhiều công ty trong ngành thất bại và nước này phải thực hiện hàng loạt điều chỉnh các chính sách, trước khi ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của quốc gia đông dân nhất thế giới khởi sắc.
Đa số các quốc gia ASEAN vẫn chưa hoàn toàn mở cửa cho nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng và áp thuế nhập khẩu cao đối các công nghệ thải ra ít carbon. Nếu không thực thi các chính sách hội nhập, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tại những quốc gia này không thể cất cánh.
Cuối cùng, các nước ASEAN cần một mô hình có thể tạo ra lợi nhuận. Những đổi mới về công nghệ cho thấy rằng có những cách đáng tin cậy, để giúp ngành công nghiệp năng lương mặt trời có thể hoạt động sinh lời. Hiện tại, Trung Quốc đang chuyển từ trợ cấp FiT sang hình thức đấu giá, sau thời gian phát triển và ổn định thị trường.
Các nước ASEAN nên thực hiện các đánh giá chuyên sâu về cách tiếp cận chính sách hiện nay của mình, và chọn một cách tiếp cận đáp ứng được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, sự sẵn sàng của thị trường cho những công nghệ năng lượng tái tạo và thiết kế một hệ thống chính sách và trợ cấp bổ trợ cho nhau, tạo ra nhiều lợi ích.
Tại ASEAN, các nước đã trợ cấp rất nhiều cho nhiên liệu hóa thạch là rất lớn và hệ thống phát triển kinh doanh năng lượng mặt trời vẫn còn yếu. Các quốc gia đầu tư nhiều vào công nghệ, tích cực thực hiện cải cách kinh tế rộng lớn hơn và nâng cấp các kỹ năng tân tiến sẽ gặt hái được thành quả từ năng lượng mặt trời, như Trung Quốc đã làm.
Bài viết thể hiện quan điểm của tiến sĩ Venkatachalam Anbumozhi, chuyên gia kinh tế cao cấp về năng lượng của Economic Research Institute for ASEAN and East Asia (Viện nghiên cứu Kinh tế Đông Nam Á và Đông Á) đăng trên tờ Nikkei Asian Review.
Nguồn Nikkei Asian Review