Sự tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng nhanh vào tháng 9 so với tháng trước, làm dấy lên hy vọng rằng sự phục hồi kinh tế nước này trước COVID-19. Ảnh: Reuters.

 
Minh Duy Thứ Ba | 21/09/2021 09:59

Cách biến thể Delta đe dọa những nền kinh tế đã phủ vaccine

Đà phục hồi ở nhiều nền kinh tế đẩy mạnh tiêm chủng vẫn bị đe doạ vì biến thể Delta. Do đó, vaccine cần phủ nhanh hơn nữa.

Theo The Wall Street Journal, phục hồi toàn cầu đang chậm lại khi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, buộc các chính phủ phải tăng cường tỉ lệ tiêm chủng hơn nữa với hy vọng tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

Chiến lực này thể hiện suy nghĩ vaccine sẽ giảm bớt lo lắng của người tiêu dùng về việc lây nhiễm, khiến họ chi tiêu nhiều hơn cho việc đi du lịch, ăn uống và các hoạt động khác liên quan đến tiếp xúc gần.

Nhiều nhà hoạch định chính sách đang cố gắng tập trung vào việc phủ vaccine nhiều hơn. Tháng trước, Pháp yêu cầu những người đến quán bar, nhà hàng và các địa điểm khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới nhất hoặc chứng nhận đã tiêm chủng hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine".

Dù biện pháp trên chủ yếu nhằm giảm tử vong và ca bệnh nghiêm trọng, nhưng Tổng thống Emmanuel Macron cũng gắn nó với một mục tiêu kinh tế. "Mùa hè này sẽ là một mùa hè phục hồi kinh tế", ông nói hồi tháng 7.

Tại Mỹ, Tổng thống Biden thông báo rằng tất cả công ty sử dụng lao động có 100 nhân viên trở lên phải yêu cầu nhân viên chích ngừa hoặc ít nhất phải xét nghiệm COVID-19 hàng tuần.

Tuần trước, chính phủ Italy cho biết sẽ yêu cầu tất cả công nhân phải có xác nhận đã tiêm chủng đầy đủ hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19 hay kết quả xét nghiệm âm tính.

Ở Anh, nơi tỉ lệ tiêm chủng cao hơn ở Mỹ, tăng trưởng kinh tế đã hạ nhiệt vào tháng 7, chỉ còn 0,1%. Sự chậm lại cho thấy rằng chỉ riêng tỉ lệ tiêm chủng cao sẽ là không đủ để thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng.

Các cuộc khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 8 ở nhiều nền kinh tế đã ghi nhận mức tăng hoạt động chậm nhất kể từ tháng 2 và có vẻ như kết quả sơ bộ của tháng 9 sắp công bố trong tuần này sẽ ghi nhận sự giảm tốc hơn nữa.

 

Ảnh hưởng của biến thể Delta với chi tiêu dịch vụ là mối quan tâm lớn của gần như tất cả các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào du lịch. 

Virus còn gây ra gián đoạn sản xuất và vận chuyển, đặc biệt là ở châu Á, làm tổn thương các nhà xuất khẩu và bán lẻ trên toàn thế giới.

Nhiều nhà kinh tế tin rằng lực cản từ virus và tắc nghẽn nguồn cung sẽ giảm bớt từ đầu năm tới, một phần do hoạt động tiêm chủng tiếp tục mở rộng. Các nhà kinh tế tại BNP Paribas đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Mỹ từ 6,9% xuống 6% và dự báo tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cũng giảm từ 8,7% xuống 8,2%.

Tuy nhiên, họ đã nâng dự báo năm 2022 của Mỹ lên 5,3% từ 4,7% và dự báo của Trung Quốc lên 5,6% từ 5,3%. Về bản chất, họ coi biến thể Delta như một cản trở về tốc độ hơn là một thứ khiến quá trình phục hồi bị trật bánh.

Tiêu dùng cá nhân chậm lại đáng kể ở Trung Quốc vào tháng 8 sau khi COVID-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Bloomberg.
Tiêu dùng cá nhân chậm lại đáng kể ở Trung Quốc vào tháng 8 sau khi COVID-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Bloomberg.

Tốc độ tiêm chủng ở nhiều nước đã chậm lại trong những tháng gần đây. Hồi đầu năm, chủ yếu là vấn đề nằm ở chỗ phân phối kịp vaccine cho số người cần. Giờ đây, vaccine đã đáp ứng được nhu cầu nhiều hơn.

Một thách thức mới ở các quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn dân số là thuyết phục những người đã tiêm phòng tiêm thêm một mũi nhắc lại để tăng cường khả năng bảo vệ trước mùa đông sắp đến. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho biết thành công trên cả hai mặt sau đây sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Rõ ràng, đại dịch sẽ được giải quyết nhanh hơn nhờ phạm vi tiêm chủng mở rộng hơn nữa và nếu việc tiêm nhắc lại được nhiều người chấp nhận, đó sẽ là một động lực bổ sung", bà Christine Lagarde nói.

Tuy nhiên, vaccine không phải "thần dược" giúp kinh tế hồi sinh mạnh mẽ. Những gì đã diễn ra cho thấy, còn có những yếu tố khác ngoài vaccine tác động đến quá trình phục hồi kinh tế ở mỗi quốc gia. Do đó, sự kết hợp giữa tiêm chủng và các chính sách phù hợp từng nơi là rất cần thiết.

Dĩ nhiên, vaccine vẫn là tiên quyết. Nhiều nhà kinh tế nghĩ rằng tỉ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ giúp kéo dài thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ cho đến năm sau. "Chính sách thiết thực tại thời điểm này, với chi phí thấp, thực sự là giúp cho càng nhiều người được tiêm chủng càng tốt", Nhà dịch tễ học kinh tế Flavio Toxvaerd tại Đại học Cambridge đánh giá.

Có thể bạn quan tâm:          

Các nước giàu có thể phải vứt bỏ hơn 100 triệu liều vaccine