Những hậu duệ kế thừa tài sản của các tỉ phú đang chiếm ưu thế. Ảnh: FT.
Các tỉ phú thế hệ mới thừa kế tài sản nhiều hơn tự gầy dựng
Nghiên cứu do ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ) thực hiện hằng năm cho thấy trong năm 2203, các thế hệ mới của giới siêu giàu toàn cầu có tài sản được thừa kế nhiều hơn so với lượng do chính họ tạo ra. Đây là hiện tượng đầu tiên được ghi nhận kể từ khi ngân hàng thực hiện nghiên cứu về các tỉ phú trên thế giới.
Kết quả nghiên cứu của UBS cho thấy có 84 tỉ phú tự thân mới trong năm 2023, với tổng số tài sản là 141 tỉ USD. Ngoài ra, có 53 tỉ phú thế hệ mới là những người được thừa kế tài sản từ thế hệ trước, với tổng tài sản là 151 tỉ USD.
“Những hậu duệ kế thừa tài sản của các tỉ phú đang chiếm ưu thế. Nhìn chung, các tỉ phú mới xuất hiện trong năm nay có số tài sản được thừa kế nhiều hơn tài sản tự thân có được. Điều này có thể sẽ duy trì trong 20-30 năm tới. Khi đó, ước tính có hơn 1.000 tỉ phú sẽ chuyển giao khối lượng tài sản lên đến 5.200 tỉ USD cho con cái của họ”, ông Benjamin Cavalli, Trưởng bộ phận khách hàng chiến lược về quản lý gia sản toàn cầu của UBS, nhận định.
Nghiên cứu của UBS cũng cho thấy, số tỉ phú trên thế giới đã tăng từ 2.376 người lên 2.544 người trong 12 tháng, kết thúc vào tháng 4/2023. Trong số đó, các tỉ phú châu Âu có tài sản liên quan đến ngành tiêu dùng chứng kiến tốc độ tăng trưởng tài sản mạnh nhất.
“Cuộc chuyển giao tài sản đang vào giai đoạn sôi nổi nhất. Tuy nhiên điều này cũng tạo ra sự giảm tốc tương đối trong việc tự tạo ra tài sản. Báo cáo cho thấy ngày càng khó để các tỉ phú thế hệ mới có thể tự tạo ra tài sản, nhất là trong môi trường lãi suất cao và có nhiều bấp bênh về nền kinh tế hay căng thẳng địa chính trị”, ông Max Kunkel, Giám đốc Đầu tư mảng văn phòng quản lý gia sản và tài sản khách hàng tổ chức của UBS, cho biết.
Các phát hiện của UBS được đưa ra giữa bối cảnh cuộc chuyển giao tài sản từ thế hệ “baby boomer” (sinh từ năm 1946-1964) đã đến tuổi già và thế hệ X (sinh từ sau năm 1964-1980) sang thế hệ Millenials (sinh từ sau năm 1980-1996) và thế hệ Z. Theo công ty nghiên cứu Cerulli Associates, chỉ tính riêng ở Mỹ từ nay cho đến năm 2045, sẽ có khoảng 73.000 tỉ USD tài sản được chuyển giao cho thế hệ sau.
62% tỉ phú cho biết địa chính trị là mối lo ngại lớn nhất của họ trong hoạt động kinh doanh, hơn cả lạm phát và khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái. Song, giới chuyên gia cho rằng các tỉ phú thế hệ thứ nhất và thứ 2 có những mối lo ngại khác nhau về triển vọng kinh tế. Những người thuộc thế hệ đầu tiên quan tâm đến rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ nhiều hơn so với nhóm còn lại.
Thực tế, giữa các thế hệ tỉ phú khác nhau đều có sự khác biệt về loại tài sản ưa chuộng. Các nhà đầu tư đi trước có xu hướng mở rộng danh mục bằng trái phiếu và tín dụng tư nhân. Trong khi đó, các nhà đầu tư trẻ tuổi ưa chuộng sở hữu cổ phiếu của các công ty niêm yết đại chúng và doanh nghiệp cổ phần tư nhân.
“Các nhà đầu tư tỉ phú có thâm niên thích tập trung vào những loại tài sản tạo ra lợi nhuận cố định, như trái phiếu và tín dụng tư nhân. Thế hệ sau thì ngần ngại với nhóm tài sản này bởi những rủi ro dài hạn, như địa chính trị chẳng hạn”, ông Kunkel nói.
Theo ông Matthew Fleming, Chuyên gia quản lý tài sản của Công ty Stonehage Fleming, cho biết địa chính trị là vấn đề đáng lưu ý nhất khi các cá nhân siêu giàu cân nhắc trong việc ra quyết định đầu tư. Các tỉ phú trẻ tuổi có xu hướng cân nhắc các ảnh hưởng từ xã hội đến tài sản của họ hơn là thế hệ đi trước.
“Việc những người kế thừa có nhiệm vụ tiếp quản một lượng tài sản lớn vào thời điểm này là một điều tốt. Việc quan trọng là làm sao để đảm bảo rằng thế hệ sau đã chuẩn bị kỹ lưỡng để gánh vác trách nhiệm”, ông Fleming nói.
Có thể bạn quan tâm:
Ấn Độ và Việt Nam sẽ dẫn đầu tăng trưởng tiêu thụ cà phê ở châu Á
Nguồn FT