Các thị trường mới nổi trên đà khởi sắc
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một trong những cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ nhất trong lịch sử thì các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước này lại phản ứng theo một cách khiến cho nhiều người phải ngạc nhiên: Họ đã tăng tốc sản xuất.
Phớt lờ các mối đe dọa khủng bố, đồng nội tệ biến động và những bất ổn chính trị, các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3 vừa qua đã báo cáo tháng chứng kiến hoạt động kinh tế nhộn nhịp nhất trong vòng 3 năm qua. Xuất khẩu tháng 3 đã tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến khả quan này của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một trong số hàng loạt các thông tin tích cực đáng ngạc nhiên về các thị trường mới nổi kể từ đầu năm nay.
Sau thời gian chứng kiến các nhà đầu tư tháo chạy, cổ phiếu và trái phiếu thị trường mới nổi lại đón nhận dòng vốn lớn rót vào. Mối lo ngại về tuyên bố chống lại giao thương toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lùi dần và một đồng USD yếu hơn cũng hỗ trợ cho việc này, giúp cho những đồng tiền từng lao dốc như peso của Mexico, lira của Thổ Nhĩ Kỳ và real của Brazil hồi phục.
Kể từ đầu năm 2017, chỉ số iShares MSCI Emerging Markets đã tăng 11%; các quỹ theo dõi các thị trường như Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Argentina đều tăng mạnh.
Đà khởi sắc của các thị trường cổ phiếu và trái phiếu mới nổi có thể không kéo dài, vì các thị trường này vẫn dễ bị tác động trước những biến động chính trị và các nhà đầu tư lại có cái nhìn đầu tư ngắn hạn. Nhưng hiện nay, tâm lý thị trường vô cùng hào hứng. Thứ Hai tuần qua, các nhà đầu tư đã đẩy tăng giá chứng khoán của Thổ Nhĩ Kỳ vì tin rằng chiến thắng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 16.4 sẽ cho chính quyền của ông quyền lực lớn hơn, từ đó giúp thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế. Đồng lira đã có một phiên giao dịch đáng nhớ khi tăng 2% so với USD.
Trong khi đó, Trung Quốc cho biết nền kinh tế, nhờ vào chi tiêu đầu tư lớn, đã tăng trưởng 6,9% trong quý I năm nay, cao hơn dự báo của giới chuyên gia kinh tế. Tăng trưởng nhập khẩu xét về khối lượng, một thước đo chính về nhu cầu nội địa của nền kinh tế Trung Quốc, đã tăng 20% trong suốt 2 tháng đầu của năm nay.
Các nền kinh tế mới nổi khác như Mexico, Hàn quốc và Brazil cũng đang vượt qua những chướng ngại vật (như đồng nội tệ biến động, bất ổn chính trị và mối lo ngại về giao thương bị kìm hãm do các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump), tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự kiến.
Cụ thể, niềm tin doanh nghiệp ở Mexico đã cải thiện đáng kể trong tháng 3. Đồng peso, vốn giảm sâu sau sự kiện đắc cử Tổng thống của ông Donald Trump, cũng đã lấy lại được những gì đã mất. Tính từ đầu năm đến nay, đồng peso đã tăng 10% so với đồng USD.
Tại Brazil, giữa tháng 4.2017, ngân hàng trung ương nước này đã giảm lãi suất với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2009 nhằm kích thích nền kinh tế, vốn đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ sau một thời gian chìm sâu vào suy thoái.
Sự khởi sắc trên là tín hiệu đáng mừng sau đà suy giảm kéo dài 6 năm tại những nền kinh tế từng tăng trưởng nhanh này. Trong vài năm qua, cả thế giới đã sống trong những nỗi lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc hãm phanh, đà sụt giảm giá cả hàng hóa và các vụ bê bối chính trị làm què quặt các quốc gia như Brazil... Tất cả đã cùng tác động, gây nên một cuộc tháo chạy trên diện rộng dòng vốn đầu tư nước ngoài khỏi các thị trường mới nổi.
“Mặc cho những gì đang diễn ra ở phương diện chính trị tại các nền kinh tế trưởng thành, chúng tôi đang chứng kiến đà tăng trưởng thực sự ở các thị trường mới nổi”, Ulrik Bie, chuyên gia kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nhận xét. “Các nền kinh tế này là một phần quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, vì thế mang đến một nền tảng vững chắc thực sự cho sự tăng trưởng chung”, ông nói tiếp. Trước những dữ liệu lạc quan gần đây, IIF đã nâng mức dự báo về tốc độ tăng trưởng.
Theo một chỉ số kinh tế của IIF, tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi đã đạt 6,8% trong suốt quý I năm nay, cao nhất kể từ năm 2011. Đây chỉ là số liệu sơ bộ nên có khả năng chỉ số cuối cùng cho quý I sẽ thấp hơn. Nhưng các chuyên gia kinh tế tại IIF cho rằng đây là một chỉ báo tốt về các xu hướng kinh tế và rõ ràng đang cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ ở các thị trường mới nổi trong những tháng gần đây. “Chúng tôi đang chứng kiến niềm tin doanh nghiệp và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) gia tăng mạnh ở những nước này”, Bie, chuyên gia kinh tế của IIF, nhận xét.
Các số liệu thương mại ấn tượng từ Trung Quốc (xuất khẩu tăng 16% trong tháng 3) cũng như các số liệu xuất khẩu khả quan tương tự từ Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia cũng chỉ ra sự hồi phục gần đây trong giao thương toàn cầu.
Những năm vừa qua là một bức tranh ảm đạm cho thương mại toàn cầu. Mối lo sợ về một nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã là một yếu tố chính. Nhưng giờ đây, các nhà điều hành trong ngành hàng hải cho rằng đã có sự tăng lên đáng kể trong nhu cầu đối với tàu container (tàu chở hàng hóa sản xuất đi khắp thế giới). Theo chỉ số Harpex Shipping, giá vận chuyển container đã tăng 40% từ đầu năm đến nay.
Vận chuyển container được xem là bình khí oxy của tăng trưởng toàn cầu và trong những năm vừa qua ngành này rơi vào tình thế vô cùng cam go. Giá vận chuyển hàng hải đã giảm sâu, đẩy một số công ty đến bờ vực phá sản và buộc nhiều con tàu không thể ra khơi.
Do đó, cuộc lội ngược dòng xảy ra khá nhanh sau một năm 2016 tồi tệ đã khiến cho nhiều người trong ngành phải kinh ngạc. “Điều gì đó đang diễn ra ở đây. Thị trường từ giữa năm ngoái đến nay đã tăng gấp đôi”, Nick Bailey, Giám đốc Thương mại tại Lomar Shipping, hãng vận tải container thuộc sở hữu của Libra Group, nhận xét.
Trung Quốc đã là người mua lớn nhất các tàu container, theo Bailey. Ông cho biết nhiều tàu được dùng để vận chuyển hàng từ các trung tâm như Thượng Hải sang các bến cảng nhỏ hơn trong khu vực. “Điều này đang được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa ở Trung Quốc. Nó là một phần lớn của câu chuyện tăng trưởng này”.
Đàm Hoa
Nguồn NYT