Thứ Tư | 04/09/2013 15:54

Các thị trường mới nổi đang chìm dần?

Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, thời kỳ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sắp hết làm lộ các điểm yếu chết người của các thị trường mới nổi.
Với việc tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia thu nhập trung bình đang chậm lại đáng kể cũng như giá cả các loại tài sản giảm mạnh, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: “Phải chăng một cuộc khủng hoảng lặp lại đang đến gần chúng ta?

Sau nhiều năm tăng trưởng vững mạnh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tác động kết hợp của việc tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc chậm lại và khả năng chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng ở các quốc gia phát triển đang làm lộ rõ các điểm yếu chết người tại các thị trường mới nổi.

Các cú sốc nói trên đã gây ra các tổn thương nghiêm trọng đối với các thị trường mới nổi khiến người ta tự hỏi rằng liệu các vấn đề khó khăn hơn sẽ có tác động thế nào? Liệu các thị trường mới nổi có đủ khả năng để phản ứng và liệu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ thực hiện chính sách cho vay thế nào đối với các quốc gia này? Liệu IMF đã rút ra được bài học từ cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro (eurozone) rằng các khoản nợ công và tư đều là trở lực rất lớn với tăng trưởng và IMF cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề giảm nợ cũng như tiến hành tái cấu trúc.

Trong số các thị trường mới nổi thì các quốc gia chịu thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và cần nguồn vốn lớn từ bên ngoài để tài trợ cho các khoản thâm hụt này như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Indonesia bị tác động nặng nề nhất. May mắn là sự kết hợp nhiều yếu tố như chế độ tỷ giá linh hoạt, dự trữ ngoại hối mạnh, cơ chế tiền tệ được cải thiện và xu thế tránh các khoản nợ nước ngoài đã tạo ra một số lớp bảo vệ cho các quốc gia này.

Tuy vậy, tình trạng tê liệt hệ thống chính trị cũng như các cải cách cơ cấu bị trì hoãn trong nhiều năm liền đã gây ra các rủi ro nghiêm trọng. Tất nhiên ai cũng hiểu là các quốc gia như Argentina và Venezuela phụ thuộc thái quá vào giá cả các loại hàng hóa cũng như điều kiện tài chính thuận lợi trên thế giới để đạt được tăng trưởng cao. Tuy nhiên thời kỳ kinh tế thuận lợi cũng làm các quốc gia “mờ mắt” và không nhận ra các điểm yếu của mình.

Suy giảm tăng trưởng kinh tế là mối lo lớn hơn nhiều so với sự biến động gần đây của giá cả các loại tài sản bất chấp việc giá cả các loại tài sản gần đây biến động nhận được nhiều sự chú ý hơn. Thị trường cổ phiếu và trái phiếu tại các quốc gia đang phát triển vẫn ở trong trạng thái tương đối mất thanh khoản sau một thời gian dài bùng nổ. Do đó, các thay đổi trong danh mục đầu tư dù là rất nhỏ sẽ dẫn đến các biến động lớn trong giá cả và thậm chí là hơn nữa trong trường hợp các nhà đầu tư nghỉ ngơi vào tháng 8.

sinking

Cho đến tận gần đây, các nhà đầu tư quốc tế vẫn tin rằng việc mở rộng danh mục đầu tư của họ tại các thị trường mới nổi là điều hiển nhiên và không cần bàn cãi. Các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang tăng trưởng nhanh và mạnh trong khi các nền kinh tế phát triển gần như “giậm chân tại chỗ”. Giới doanh nghiệp nhận định rằng tầng lớp trung lưu đang tăng dần ở các thị trường mới nổi này không những có khả năng lam trụ cột cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới mà còn có khả năng giữ vững ổn định chính trị. Kể cả các quốc gia đứng cuối bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số tham nhũng như Nga và Nigeria cũng trải qua thời kỳ bùng nổ tầng lớp trung lưu cũng như nhu cầu tiêu dùng.

Phần chính của câu chuyện vẫn không thay đổi. Tuy nhiên việc chênh lệch tăng trưởng giữa các quốc gia đang dần được thu hẹp khiến cho các thị trường mới nổi đang dần trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư và hệ quả tất yếu là đã tạo ra các tác động lớn đến giá cả các loại tài sản ở các quốc gia này.

Việc bình thường hóa chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia – vốn bị đẩy xuống mức thấp kỷ lục do tác động của chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing – QE) sẽ không gây ra hoảng loạn. Kịch bản dự phòng về giá cả các loại trái phiếu không phải là cảnh báo về sự lặp lại của một cuộc khủng hoảng nợ những năm 1980 tại Mỹ hay cuộc khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990 tại châu Á.

Thực tế là nhiều thị trường mới nổi, chẳng hạn như Colombia, đã phát hành trái phiếu với mức chênh lệch lãi suất thấp kỷ lục so với trái phiếu chính phủ Mỹ. Bộ trưởng tài chính của các quốc gia này – mặc dù vẫn tự hào và cảm thấy lâng lâng với chi phí vay thấp kỷ lục ở nước mình – có lẽ cũng thừa hiểu rằng tình trạng này sẽ không dài lâu được.

Tuy nhiên chúng ta có rất nhiều lý do để lo ngại. Đầu tiên, việc cho rằng phát hành nợ bằng nội tệ sẽ xóa bỏ khả năng về một cuộc khủng hoảng tài chính là hết sức ngớ ngẩn. Thực tế rằng các quốc gia có thể chấp nhận tỷ lệ lạm phát 2 con số và in tiền ra để thoát khỏi khủng hoảng nợ chưa bao giờ là biện pháp đáng tin cậy. Công sức hàng chục năm nhằm tiến hành tập trung hóa tài chính sẽ trở thành công cốc, các ngân hàng sẽ đổ vỡ, người nghèo sẽ chịu thiệt hại nặng nề và tăng trưởng sẽ giảm.

Thay vì in tiền, các quốc gia có thể tiến hành áp đặt các kiểm soát chặt chẽ hơn về vốn cũng như áp dụng các quy định chặt chẽ hơn trên thị trường tài chính nhằm ngăn chặn hiện tượng người gửi tiết kiệm rút khỏi thị trường – biện pháp mà các quốc gia phát triển từng áp dụng sau thế chiến thứ II. Nhưng các biện pháp mang tính “trấn áp” thị trường tài chính như vậy không bao giờ là không có hậu quả nặng nề như việc giảm bớt tính hiệu quả trong việc phân phối tín dụng của các thị trường tín dụng và ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn.

Trong trường hợp suy giảm kinh tế ở các thị trường mới nổi trở nên tồi tệ hơn trong vài năm tới hoặc thậm chí là bây giờ, liệu thế giới đã chuẩn bị gì để “đón nhận”? Đây cũng là lý do quan ngại nghiêm trọng tiếp theo.

Nhìn chung, hệ thống ngân hàng toàn cầu vẫn đang trong tình trạng suy yếu và mong manh dễ vỡ, đặc biệt là ở khu vực châu Âu EU. Người ta không thể biết trước liệu IMF sẽ tiếp cận và xử lý một cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nối như thế nào – đặc biệt là sau bài học mà tổ chức này rút ra được tại các quốc gia châu Âu trong bối cảnh IMF vừa phải cân bằng các chính sách nhằm đẩy mạnh các thay đổi mang tính cấu trúc đang cực kỳ cần thiết tại eurozone với các chính sách nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Chủ đề này sẽ được bàn đến sau – nhưng kinh nghiệm đau thương mà IMF có được tại khu vực này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi khó như: liệu IMF có áp dụng chế độ chuẩn kép đối với các quốc gia EU hay không (kể cả như vậy thì các quốc gia như Hy Lạp – cũng chỉ là thị trường mới nổi).

Trong khi đó, bên kia bờ Đại Tây Dương, tình trạng phân cực chính trị tại Mỹ đang gây đau đầu cho các nhà đầu tư – với một cuộc khủng hoảng không lối thoát về trần nợ công đang hiện lù lù trước mắt. Sự tháo chạy hiện nay khỏi các thị trường mới nổi để chuyển sang các quốc gia đang phát triển sẽ nhanh chóng đảo ngược và khiến các dòng vốn lại rút khỏi các quốc gia phát triển lần nữa.

Sự suy giảm của các thị trường mới nổi là tín hiệu cảnh báo điều tồi tệ hơn có thể ập đến. Điều duy nhất chúng ta có thể hy vọng là nếu điều tồi tệ hơn có xảy ra thì thế giới đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Nguồn Project-Syndicated/Dân Việt


Sự kiện