Các thị trấn Tây Ban Nha lao đao vì khủng hoảng nợ
"Mọi thứ mà làng sở hữu đều đã bị tịch thu và đem bán đấu giá", thị trưởng thị trấn, ông Felix Rocenro, cho biết.
Làng Peleas de Abajo là một trong những làng mắc nợ nhiều nhất tại Tây Ban Nha, với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng do nguồn tín dụng ngày một cạn kiệt.
Chính vì phải bán đất cho các chủ nợ, ước tính thị trấn Peleas sẽ phải mất hơn 500 năm để giải quyết hết số nợ 5,6 triệu USD cho các ngân hàng và chính phủ trung ương.
Cuộc sống của người dân tại thị trấn nhỏ xinh đẹp này cũng bị thay đổi hoàn toàn. Ban ngày, thị trấn luôn vắng người do nhiều cư dân phải đến Zamora, trung tâm của khu vực, để làm việc. Sau bữa tối, một vài người đàn ông tụ tập tại quán bar duy nhất của thị trấn để đánh bài và uống nước.
Theo thị trưởng Roncero, trong quá khứ, người dân thị trấn Peleas đã được tận hưởng một cuộc sống tự do chi tiêu với số tiền lương hào phóng và chưa bao giờ phải bận tâm tới những khoản nợ mà chính quyền thị trấn đang phải gánh.
Nhưng kể từ khi đồng euro ra đời, mọi thứ đã thay đổi và ngân sách của các chính quyền địa phương luôn trong trạng thái "báo động đỏ", ông Roncero cho biết.
Lãi suất tại các ngân hàng đều giảm khiến nguồn tín dụng trở nên dễ tiếp cận hơn, những yếu tố đó đã góp phần tạo nên làn sóng cho vay ồ ạt tại các thành phố và thị trấn trên khắp Tây Ban Nha.
Giáo sư kinh tế tại Đại học Barcelona, ông Jose Maria Gay de Liebana cho biết: "Với sự ra đời của đồng euro, các ngân hàng buộc phải phát triển và cũng từ đó họ hành động vô trách nhiệm hơn, cho vay một cách tràn lan mà không đưa ra bất cứ cảnh báo hay phản đối nào".
Ngoài ra, sự bùng nổ trong ngành công nghiệp xây dựng, tiếp sức bởi những chính sách cho vay lỏng lẻo của các ngân hàng Tây Ban Nha, đã dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống bất động sản, đồng thời đẩy giá xuống thấp. Ước tính tại Tây Ban Nha thời điểm hiện tại, có khoảng 5 triệu ngôi nhà bị bỏ trống.
Bên cạnh đó, hôm 28/8 vừa qua, chính phủ Tây Ban Nha cho biết suy thoái tại đất nước đang ngày một tồi tệ hơn. Nền kinh tế của Tây Ban Nha trong quý II tiếp tục giảm 0,4% sau khi giảm 0,3% trong quý trước đó.
Kết quả là, sự đi xuống của ngành bất động sản cùng sự yếu kém của nền kinh tế đã đẩy nhiều thành phố và thị trấn ở Tây Ban Nha lâm vào cảnh vỡ nợ.
|
Những người dân ở Peleas nói rằng họ cảm thấy rất xấu hổ và buồn bã khi chính quyền thành phố dù kiên quyết thực hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng như bán tài sản, song thị trấn này vẫn nằm trong số những thị trấn mắc nợ nhiều nhất Tây Ban Nha.
Nhưng câu chuyện của 241 người dân tại Peleas chỉ là một điển hình trong vô vàn những câu chuyện tương tự ở Tây Ban Nha. Tại Glendale, khoảng 1.400 cư dân đang phải gánh 2,8 triệu USD nợ của chính quyền địa phương. Theo thị trưởng Jesus Villasante, món nợ khổng lồ của thị trấn là do dự án phát triển đô thị tại nơi đây đã không thành công như mong đợi.
Ông Villasante cũng cho biết trong suốt 18 năm kể từ khi ông lên nhậm chức, chính quyền thị trấn chưa thu bất cứ loại tiền thuế nào của người dân, và điều đó càng khiến việc trả nợ của chính quyền trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù chính phủ Tây Ban Nha không tiết bao nhiêu trong tổng số 8.117 thị trấn của Tây Ban Nha đang bị mắc nợ, song theo báo cáo từ Liên đoàn các thành phố và tỉnh thành Tây Ban Nha, các chính quyền địa phương của nước này đang nợ khoảng 21 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, trong suốt thời kỳ bất động sản bùng nổ, các thành phố và thị trấn của Tây Ban Nha kiếm tiền chủ yếu từ thuế và bán giấy phép xây dựng. Nhưng thay vì tích trữ tiền đề phòng khủng hoảng, các nhà lãnh đạo địa phương lại đổ hàng núi tiền vào các chương trình hỗ trợ bầu cử.
Các nhà quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công tại các thành phố và thị trấn Tây Ban Nha có thể không nghiêm trọng như hiện tại nếu các nhà chính trị gia và chính quyền địa phương hành động một cách có trách nhiệm hơn.
Nhưng tại Tây Ban Nha, vẫn có một vài điểm sáng trong giai đoạn khủng hoảng. Một điển hình về những chính sách đúng đắn để vượt qua khủng hoảng chính là ngôi làng Miajadas thuộc miền Đông Tây Ban Nha. Làng Miajadas, với dân số 10.300 người, được mệnh danh là "thủ đô cà chua châu Âu", do có nhiều công ty xây dựng nhà máy chế biến cà chua tại nơi đây.
Mặc dù thặng dư ngân sách tới 1 triệu USD trong năm 2011, song Hội đồng làng vẫn thực hiện cắt giảm lương, đồng thời loại bỏ các dịch vụ công ra khỏi danh sách đấu thầu và cắt giảm ngân sách dành cho các kỳ nghỉ và lễ hội.
"Chúng tôi muốn làm điều gì đó cho thị trấn, nhưng chúng tôi sẽ sử dụng số tiền mà chúng tôi có, chứ không phải bằng cách vay mượn. Đó là cách duy nhất vào lúc này", thị trưởng Miajadas, Juan Luis Isidro nói.
Nguồn USA Today/Khampha