Siêu đô thị Ấn Độ đang chứng kiến ​​mức độ ô nhiễm cao. Ảnh: Bloomberg.

 
Nguyên Hồ Thứ Ba | 31/01/2023 15:25

Các thành phố của Ấn Độ "thay phiên nhau" ô nhiễm không khí

Theo kết quả Chỉ số Chất lượng Không khí, không khí tại thủ đô tài chính Mumbai thường xuyên các mốc báo động về độ không an toàn.

Mùa đông năm nay, bà Radhika Banka, một bác sĩ tư vấn tại Bệnh viện PD Hinduja ở Mumbai, đã bận rộn hơn nhiều khi số lượng bệnh nhân “tăng đột biến” đến thăm khám, với các vấn đề liên quan đến hô hấp tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng không cần phải là một chuyên gia về phổi như bác sĩ Banka thì mới có thể hiểu được nguyên nhân mắc bệnh. Khi mà Mumbai - nơi sinh sống của hơn 20 triệu người - đã nhiều ngày bị bao phủ trong lớp khói bụi dày đặc, che khuất cả những tòa nhà cao ốc nằm ở đường chân trời của siêu đô thị ven biển này.

Theo kết quả Chỉ số Chất lượng Không khí, thước đo nồng độ các hạt vật chất có thể gây chết người, không khí tại thủ đô tài chính Mumbai thường xuyên các mốc báo động về độ không an toàn. Nơi này thậm chí còn vượt qua chỉ số ghi nhận tại New Delhi, thủ đô của Ấn Độ nổi tiếng với không khí độc hại kỷ lục.

Sự lan tràn khói bụi có hại trên diện rộng vốn là vấn đề "kinh niên" tại Ấn Độ, nhưng nay nó đã tràn sang đến cả Mumbai và các khu vực phía nam, nơi mà trước đây được xem là ốc đảo, làm dấy lên một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng.

 

Ô nhiễm không khí dẫn đến 2 triệu ca tử vong sớm hàng năm trên khắp Nam Á, nơi có 9 trong số 10 đô thị ô nhiễm nhất thế giới, theo Ngân hàng Thế giới. Tại Mumbai và các thành phố khác của Ấn Độ, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự bùng nổ xây dựng lớn sau thời gian tạm lắng trong đại dịch Covid. Đồng thời, gió Biển Ả Rập vốn giúp thanh lọc không khí cũng đã ngưng thổi bất thường trong những tháng gần đây.

“Đây chắc chắn là một hiện tượng mới. Về ngắn hạn, trước mắt là các ca nhiễm trùng đường hô hấp. Nhưng về lâu dài, nó sẽ có tác động đến mọi thứ, bao gồm cả sức khỏe của trẻ em và làm tăng nguy cơ đột quỵ.", bà Banka nói.

Theo ông Gufran Beig, người sáng lập Viện nghiên cứu dự báo thời tiết và chất lượng không khí của Ấn Độ, biến đổi khí hậu đã làm biến dạng các kiểu gió xung quanh Mumbai. 

Ông nói: “Cứ sau ba hoặc bốn ngày, làn gió sạch bắt nguồn từ biển sẽ cuốn đi tất cả khí thải và chất gây ô nhiễm. Nhưng giờ đây, cơ chế làm sạch tự nhiên đó đã bị phá vỡ — thay vào đó, hiện tại gió đổi chiều đang diễn ra sau 10 đến 12 ngày.”

Với hơn 90% trong số 1,4 tỉ người sống ở những khu vực có chất lượng không khí thấp hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, Ấn Độ cần phải cố gắng rất nhiều trong việc làm sạch bầu không khí độc hại của mình. Nhưng cho đến nay, các cảnh báo về sức khỏe phần lớn đã bị gạt sang một bên bởi nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư khi các dây chuyền sản xuất dần rời khỏi Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm:

 Đông Nam Á "giành" chỗ đứng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nguồn Bloomberg