Khu vực trung tâm Bangkok tiếp nhận tới 700.000 phương tiện mỗi ngày. Ảnh: Nikkei Asia.
Các thành phố châu Á “mạnh tay” với phí ùn tắc giao thông
Các thành phố lớn ở châu Á, bao gồm thủ đô của Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, đang triển khai kế hoạch thu phí ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm. Đây là nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng tắc đường, cắt giảm khí thải carbon và kiểm soát ô nhiễm không khí.
Tại Ấn Độ, chính quyền dự kiến thu phí ùn tắc tại 13 khu vực trung tâm thuộc vùng đô thị Delhi. Theo truyền thông địa phương, mức phí sẽ áp dụng trong giờ cao điểm từ 8h-10h sáng và 17h30-19h30. Tương tự, thành phố Bengaluru ở miền Nam Ấn Độ cũng đang cân nhắc một chương trình thu phí tương tự.
Chính phủ Thái Lan gần đây đã công bố kế hoạch thu phí 40-50 baht (khoảng 1,16-1,45 USD) mỗi ngày đối với các phương tiện lưu thông qua trung tâm Bangkok. Các chi tiết về khu vực thu phí và phương thức thực hiện sẽ hoàn thiện vào năm 2025. Hiện nay, khu vực trung tâm Bangkok tiếp nhận tới 700.000 phương tiện mỗi ngày. Chính phủ kỳ vọng khoản thu khoảng 10 tỉ baht mỗi năm sẽ được dùng để trợ giá vé tàu điện nội đô ở mức 20 baht.
Tại Việt Nam, Hà Nội cũng đang xem xét thu phí ùn tắc tại khoảng 100 điểm ở khu vực giáp ranh ngoại ô. Ngoài ra, thành phố đang đề xuất cấm các phương tiện không sử dụng điện tại một số khu vực trung tâm từ năm 2030. Trước mắt, từ năm 2025, sẽ triển khai thử nghiệm cấm xe máy trên một số tuyến đường để đánh giá hiệu quả.
Ùn tắc giao thông là một vấn đề xã hội lớn tại châu Á, khi tốc độ đô thị hóa vượt xa năng lực phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Tình trạng tắc nghẽn kéo dài gây thiệt hại kinh tế lớn. Ví dụ, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải ước tính thành phố mất hơn 1 triệu giờ lao động mỗi năm do ùn tắc, tương đương thiệt hại kinh tế từ 1 đến 1,2 tỉ USD. Đồng thời, không khí ở đây cũng nằm trong nhóm ô nhiễm nặng nhất thế giới.
Trên thế giới, nhiều thành phố như London, Stockholm và Singapore đã áp dụng thu phí giao thông trung tâm. Theo cơ quan quản lý giao thông London, sau khi áp dụng chính sách này vào năm 2003, lượng xe cộ trong khu vực thu phí đã giảm 18% vào các ngày trong tuần.
Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết ngành giao thông chiếm 13% lượng phát thải CO2 tại khu vực châu Á năm 2018. Trong bối cảnh Thái Lan và Việt Nam cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050, việc khuyến khích sử dụng xe điện (EV) vẫn còn chậm so với châu Âu và Trung Quốc.
Chính sách thu phí ùn tắc giao thông không chỉ nhằm giảm xe chạy xăng mà còn thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng xe điện. Tại châu Âu, các biện pháp này thường được kết hợp với chương trình khử carbon. Điển hình, từ tháng 8/2023, London đã mở rộng khu vực phát thải cực thấp (ULEZ) ra toàn thành phố, thu thêm phí hàng ngày đối với các phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải.
Có thể bạn quan tâm:
Từ văn hóa 996 đến cân bằng cuộc sống trong lao động Trung Quốc
Nguồn Nikkei Asia