Các thách thức kinh tế nào đang chờ đón Donald Trump?
Tổng thống Trump, cũng giống như ông Obama, đã bắt đầu nhiệm kì của mình với những kỳ vọng và lời hứa hẹn lớn lao.
Tuy nhiên, trong vòng chưa tới 3 tháng sau khi nhậm chức, Trump đã gặp phải nhiều bước lùi lớn. 2 lệnh hạn chế công dân nhiều quốc gia Trung Đông nhập cảnh vào Mỹ đang tạm thời bị ngưng lại sau phán quyết của các thẩm phán liên bang. Những nỗ lực nhằm loại bỏ và thay thế đạo luật Obamacare cũng đã bị rút lại vì gần như cầm chắc thất bại ở Quốc hội. Và khi ông Trump ra lệnh phóng tên lửa vào một sân bay tại Syria vào tuần trước, ông cũng đã vi phạm lời hứa lúc tranh cử là “tránh can dự vào các cuộc chiến ở nước ngoài”.
Tuy nhiên, các thách thức kinh tế mà Trump đang phải đối mặt sẽ còn khó khăn hơn nữa. Thời kì tăng trưởng mạnh, nợ công thấp và giá nhiên liệu rẻ đã qua, theo nhận xét của chuyên gia bình luận tài chính Charles Hugh Smith. Ông này cho rằng “những cuộc khủng hoảng diễn ra cùng lúc” sẽ có thể tồi tệ hơn vào năm 2020.
Đó là những cuộc khủng hoảng như thế nào? Nợ công chồng chất (hiện đã gần 20 nghìn tỷ USD), sự chia rẽ chính trị sâu sắc, việc giới ngân hàng tiếp tục cho vay vô tội vạ, cộng thêm việc mất niềm tin giữa người dân và chính quyền…
Ông Smith cũng nhắc nhở về tình trạng già hóa dân số của Mỹ, và sự bất bình đẳng gây ra bởi những “đột biến về công nghệ”. Vào năm 2031, khi những người trẻ nhất của thế hệ Baby Boomer (sinh ra trong giai đoạn 1946-1964) tròn 67 tuổi, tuổi thọ trung bình của người Mỹ sẽ là 65 và số người già sẽ lên đến 75 triệu người, gần gấp đôi so với mức 39 triệu người một thập kỉ trước đây.
Tháp dân số của nước Mỹ sẽ thay đổi rất nhiều trong những thập kỷ tới. Ảnh: New York Times |
Trong khi đó, khoảng cách giữa giới siêu giàu toàn cầu và những người khác vẫn đang ngày một tăng lên: theo một báo cáo của Credit Suisse, một nhóm cực nhỏ là 0,7% dân số thế giới, hay 33 triệu người, đang kiểm soát tới phân nửa tổng tài sản của thế giới.
Cuối cùng, Smith cũng chỉ trích việc bộ máy chính phủ đã phình ra quá to. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng trong giai đoạn 10 năm trước khi ông Trump đắc cử, sự bất mãn với hệ thống kinh tế và chính trị của Mỹ đã gia tăng cùng lúc với việc mở rộng bộ máy nhân sự nhà nước. Nhiều người khác cho rằng chính quyền Trump có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa nếu bỏ đi các đạo luật quản lý tài chính như là Dodd-Frank, cộng thêm làm cho biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn, khi mà giờ đây ông Trump tuyên bố sẽ hồi sinh ngành than đá bất chấp việc ngành này đang trong vũng lầy phá sản.
Khối lượng tài sản của 1% người Mỹ giàu nhất (màu đỏ) đã tăng mạnh, trong khi của 50% người nghèo nhất (màu trắng) thì tiếp tục đi xuống. Ảnh: CNN |
Nói một cách công bằng, Smith cũng cho rằng nếu bà Hiliary Clinton trở thành tổng thống thì bà cũng sẽ có không ít khó khăn như ông Trump, do những cuộc khủng hoảng nêu trên là mang tính cấu trúc chứ không phải nhất thời.
Smith nói: “Liệu bà Hilary, hay một vị lãnh đạo nào đó, có thể ngăn chặn từ trước một những cuộc khủng hoảng cấu trúc sâu rộng này? Câu trả lời là không ai cả. Điều duy nhất một vị lãnh đạo nên làm là giảm bớt kỳ vọng vì việc phải hy sinh một vài lời hứa là không thể tránh khỏi, cũng như phải yêu cầu những người đang hưởng lợi từ tình trạng hiện tại chịu khó hy sinh”. Theo quan điểm của Smith, khi trước đây nước Mỹ rơi vào vũng lầy Đại Suy thoái, nền kinh tế chỉ có thể gượng dậy nhờ có Chiến tranh thế giới thứ 2, cùng với việc vay và chi tiêu ở “mức độ không tưởng tượng nổi”.
Dù sao thì ông Trump cũng đang được thừa kế một nền kinh tế tốt hơn nhiều so với khi ông Obama nhậm chức vào năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 1/2017 ở mức 4,8% so với 7,8% vào tháng 1/2009, và tiếp tục giảm xuống mức 4,5% trong tháng 3/2017. Trong tháng mà ông Obama nhậm chức lần đầu, nước Mỹ mất đi 793.000 việc làm, trong khi tháng nhậm chức của Trump thì chứng kiến 227.000 việc làm mới được tạo ra.
Phóng viên kinh tế kỳ cựu Greg Robb của MarketWatch bình luận: “Nhiều nhà phân tích đang bắt đầu nghĩ rằng nền kinh tế không cần Fed phải duy trì lãi suất ở mức siêu thấp như hiện nay”. Tới hôm 12/4, Trump đã trả lời báo Wall Street Journal rằng ông tôn trọng chủ tịch Fed đương nhiêm Janet Yellen, và tỏ ý sẽ giữ bà lại khi Yellen hết nhiệm kỳ vào năm sau. Trump cũng rất lo ngại về việc đồng USD lên giá quá mạnh, cho thấy ông đang ngần ngại về việc Fed nâng lãi suất và không quá lạc quan về triển vọng kinh tế hiện tại. Liệu điều này có nghĩa là Trump đang ý thức được thử thách nào đang chờ đón ông hay không có lẽ vẫn là chuyện “để hồi sau sẽ rõ”.
Bá Ước
Nguồn MarketWatch