Ảnh: SpaceX.

 
Thứ Ba | 07/01/2025 14:16

Các sứ mệnh không gian đáng chú ý vào năm 2025

Con người sẽ lại lên Mặt Trăng còn Robot thì khám phá những ranh giới mới.

Vào cuối năm 2025, các phi hành gia sẽ quay trở lại Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, theo sứ mệnh Artemis của Mỹ. Trước đó, chương trình này đã ấp ủ kế hoạch bay ngang qua Mặt Trăng vào cuối năm 2024, nhưng lại bị trì hoãn vì một số lo ngại về lá chắn nhiệt và hệ thống hỗ trợ sự sống của tàu vũ trụ Orion. Giả sử những vấn đề đó đã được khắc phục, tầm cuối năm 2025, bốn phi hành gia sẽ lái Orion trong chuyến lái thử kéo dài 10 ngày. Họ sẽ không hạ cánh trên Mặt Trăng, mà bay theo quỹ đạo hình số tám quanh nó, trước khi quay trở lại Trái Đất. 

 

Cũng vào năm 2025, Ấn Độ có thể gia nhập Nga, Mỹ và Trung Quốc trong câu lạc bộ các quốc gia đã đưa phi hành gia lên vũ trụ bằng các tên lửa sản xuất nội địa. Giống như Artemis, chương trình du hành vũ trụ có người lái Gagnayaan của Ấn Độ đã bị trì hoãn. Nhưng ISRO, cơ quan vũ trụ của Ấn Độ, kỳ vọng rằng vào một thời điểm nào đó trong năm tới, các phi hành gia của họ sẽ được phóng lên vũ trụ và dành nhiều ngày trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.

Các quốc gia khác lại tập trung vào các sứ mệnh không người lái. Vào tháng 5/2025, một tàu thăm dò của Trung Quốc có tên là Tianwen-2 sẽ khởi hành đến 469219 Kamo'oalewa, một tiểu hành tinh quay quanh rất gần Trái đất. Vào tháng 12/2025, một tàu thăm dò chung giữa châu Âu và Nhật Bản có tên là BepiColombo sẽ trở thành tàu vũ trụ thứ ba đến thăm Sao Thủy. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đang lên kế hoạch cho chuyến bay đầu tiên của Space Rider, một máy bay vũ trụ có thể tái sử dụng. Giống như Tàu con thoi, nó được thiết kế để được tên lửa phóng lên quỹ đạo trước khi lướt trở lại Trái đất để bay tiếp. Không giống như Tàu con thoi, Space Rider là một robot hoạt động dưới dạng phòng thí nghiệm không gian.

Ngày nay, vũ trụ đang dần trở thành lãnh địa của các công ty tư nhân cũng như các cơ quan chính phủ. Siêu cường không gian ngày nay không phải là NASA hay ESA hay ISRO, mà là SpaceX, một công ty tư nhân của Mỹ do tỉ phú Elon Musk sáng lập. Số lượng thiết bị mà công ty này đã phóng vào quỹ đạo mỗi năm nhiều hơn so với mọi công ty và quốc gia khác trên thế giới cộng lại.

Vào năm 2025, SpaceX sẽ tiến hành thêm nhiều thử nghiệm nữa đối với tên lửa khổng lồ Starship. Họ sẽ tiếp tục triển khai Starlink, một mạng lưới gồm hàng nghìn vệ tinh có thể truyền internet tốc độ cao đến hầu hết mọi nơi trên Trái Đất. Vào năm 2025, Starlink sẽ cung cấp dịch vụ liên lạc trực tiếp giữa vệ tinh và điện thoại di động, cung cấp khả năng thu sóng điện thoại di động ở những khu vực không phải vùng phủ sóng.

Vào năm 2025, SpaceX sẽ tiến hành thêm nhiều thử nghiệm nữa đối với tên lửa khổng lồ Starship. Ảnh: Getty Images.
Vào năm 2025, SpaceX sẽ tiến hành thêm nhiều thử nghiệm nữa đối với tên lửa khổng lồ Starship. Ảnh: Getty Images.

Ngoài ra, gã khổng lồ công nghệ Amazon cũng đang thiết lập mạng lưới vệ tinh tương tự như Starlink của riêng mình, được gọi là Kuiper. Công ty có kế hoạch bắt đầu cung cấp dịch vụ vào năm 2025. Về phần Rocket Lab, một công ty được thành lập tại New Zealand, sau chuyến bay thành công của thiết bị nhỏ mang tên Electron, công ty sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên của tên lửa tái sử dụng Neutron.

Bên cạnh đó, vào tháng 1, tên lửa SpaceX sẽ phóng một số sứ mệnh Mặt Trăng khác do tư nhân tài trợ. Vast, một công ty của Mỹ, có kế hoạch phóng Haven-1, một trạm vũ trụ do tư nhân điều hành có đủ chỗ cho bốn phi hành gia. Nhưng dự án tư nhân gây chú ý nhất đến từ Venus Life Finder (VLF), một nỗ lực chung giữa Viện Công nghệ Massachusetts, Rocket Lab và một số nhà từ thiện ẩn danh. Dự kiến ​​phóng vào đầu năm 2025, tàu thăm dò robot này sẽ mang theo một thiết bị đơn giản để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên Sao Kim.

Tên lửa khổng lồ của NASA dự kiến ​​đưa các phi hành gia của Mỹ trở lại Mặt Trăng có giá khoảng 4 tỉ USD cho mỗi lần phóng. Ngược lại, tổng chi phí của VLF dự kiến ​​sẽ ít hơn 10 triệu USD, bao gồm cả lần phóng. Chính phủ từ lâu đã nắm quyền quyết định. Nhưng giờ đây, việc khám phá không gian cũng là điều mà những công dân tư nhân giàu có cũng có thể theo đuổi.

Có thể bạn quan tâm:

Nỗi buồn của nền kinh tế từng dẫn đầu châu Âu

Nguồn The Economist