Nhiều công ty khởi nghiệp ở Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc tăng trưởng sau khi lên sàn. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Nguyên Hồ Thứ Năm | 22/08/2024 17:11

Các startup Nhật Bản chật vật vượt qua "thung lũng chết thứ 2"

"Thung lũng chết thứ hai" của các startup Nhật Bản là khi sự tăng trưởng của họ dừng lại vì không thể huy động vốn sau khi niêm yết.

Theo Nikkei Asia, các công ty trẻ của Nhật Bản đang phải vật lộn để liên tục tăng doanh thu so với các công ty cùng ngành ở Mỹ và châu Âu, một phần là do khả năng tiếp cận nguồn vốn tăng trưởng bị hạn chế.

Trong 5 năm qua, doanh số bán hàng của các công ty Nhật niêm yết từ 6-10 năm tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,5%, ít hơn một nửa tốc độ tại các công ty Mỹ và châu Âu. Tốc độ tăng trưởng của các công ty trẻ ở Nhật Bản cũng chậm hơn so với các công ty trong nước lâu đời hơn đã niêm yết trong 11 năm trở lên.

Ở giai đoạn đầu khi các công ty khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc kiếm lợi nhuận từ sản phẩm và dịch vụ mới được tung ra, có một thuật ngữ ngành được dùng để mô tả gian đoạn này, đó là "thung lũng chết đầu tiên". Tuy nhiên, sau đó các công ty khởi nghiệp ở Nhật Bản phải đối mặt với "thung lũng chết thứ hai" khi sự tăng trưởng của họ dừng lại vì không thể huy động vốn sau khi niêm yết.

Đằng sau hiện tượng này là tình trạng thiếu hụt các nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro cung cấp vốn cho các công ty chưa niêm yết, buộc các công ty khởi nghiệp Nhật Bản phải tìm cách lên sàn ngay từ giai đoạn đầu. Nhưng nếu niêm yết với quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư nhạy cảm với rủi ro sẽ tránh xa họ.

Tăng trưởng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp tính theo số năm niêm yết.
Tăng trưởng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp tính theo số năm niêm yết (theo %). Ảnh: Nikkei Asia.

Ông Mitsuo Okada, CEO của công ty an ninh mạng Capy, đang chuẩn bị hồ sơ tái niêm yết tại Mỹ, nơi công ty thành lập trước đó, vì tương lại "mịt mù" khi công ty niêm yết tại Nhật Bản. Ông cho biết số lượng nhà đầu tư và nguồn tài trợ của họ ở Mỹ lớn hơn nhiều so với Nhật Bản, và tại đây hậu các khoản đầu tư táo bạo thì việc startup chịu mức lỗ nhất định vẫn có thể chấp nhận được.

Những ví dụ sau đây cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các công ty khởi nghiệp của Nhật Bản và Mỹ.

Chợ trực tuyến Nhật Bản Mercari đã lên sàn vào năm 2018, 6 năm sau khi thành lập vì muốn gọi vốn tại Mỹ và nhiều mục đích khác. Nhưng công ty đã không thể sinh lời khi hoạt động tại thị trường này, với vốn hoá giảm xuống còn khoảng 330 tỉ yên (2,2 tỉ USD), giảm so với mức đỉnh điểm là hơn 1 nghìn tỉ yên. Đối mặt với khó khăn trong việc đầu tư thêm vào Mỹ, công ty đã sa thải một số lượng lớn nhân viên từ công ty con tại đây vào tháng 6.

Ngược lại, Airbnb, công ty cung cấp dịch vụ lưu trú tư nhân có trụ sở tại Mỹ, đã không chào bán lần đầu ra công chúng trong suốt 12 năm sau khi thành lập vào năm 2008. Lựa chọn này khả thi vì công ty có thể tiếp cận nguồn vốn để tăng trưởng từ các nhà đầu tư như quỹ hưu trí. Airbnb đã có thể đầu tư trước ở nước ngoài và thiết lập nền tảng tăng trưởng mà không có áp lực từ các cổ đông. Vốn hóa thị trường của công ty đã tăng lên hơn 70 tỉ USD.

Tại Mỹ, lợi nhuận từ thặng dư vốn cổ phần của các công ty niêm yết cho các cổ đông cũng đóng vai trò là cầu nối cho dòng tiền từ các công ty niêm yết trưởng thành sang các công ty chưa niêm yết có dư địa tăng trưởng.

Các công ty niêm yết của Mỹ dư thanh khoản đã thực hiện mua lại cổ phiếu và trả cổ tức tổng cộng 8 nghìn tỉ USD trong 5 năm qua để đáp ứng nhu cầu của các cổ đông về việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn, trong khi chỉ huy động được 870 tỉ USD thông qua phát hành cổ phiếu. Trên cơ sở ròng, các công ty niêm yết đang chuyển vốn trở lại cho các nhà đầu tư. Các công ty không niêm yết tiếp tục nhận được đầu tư thông qua các quỹ được thu mua lại. Số tiền đầu tư như vậy trong 5 năm qua lên tới 3 nghìn tỉ USD, bằng 42% lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết.

Mức phân bổ thặng dư vốn cổ phần tại Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.
Mức phân bổ thặng dư vốn cổ phần tại Mỹ và Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.

"Khi Nhật Bản đang trong quá trình thay đổi từ hệ thống tài chính có nguồn cung tiền của các ngân hàng, việc các quỹ hưu trí và các tổ chức khác đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân mới chỉ bắt đầu", ông Hideaki Miyajima, Giáo sư thương mại tại Đại học Waseda cho biết. Ông cho biết, thông lệ mới nổi này sẽ "mất 20 năm trước khi có hiệu lực".

Có thể bạn quan tâm:
Ngành công nghiệp pin Trung Quốc đối mặt với làn sóng sáp nhập

Nguồn Nikkei Asia