Thứ Bảy | 30/06/2012 09:29

Các quyết định mang tính bước ngoặt quan trọng của eurozone

Các quyết định bao gồm kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng 120 tỷ euro, cơ quan giám sát ngân hàng chung, nới lỏng điều kiện cứu trợ...
Trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU lần này diễn ra, đã có nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ tiếp tục là một sự thất bại do lãnh đạo của các nước không thể đi đến các thỏa thuận cần phải có. Tuy nhiên, sau 2 ngày làm việc đầy căng thẳng (28 và 29/6), các nhà lãnh đạo Eurozone đã có được sự đồng thuận trong việc thực hiện các bước tiến lớn để ngăn chặn khủng hoảng.

Dưới đây là một số quyết định quan trọng mang tính chất bước ngoặt trong giải quyết khủng hoảng mà các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông qua sau 2 ngày hội nghị đầy căng thẳng:

Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng trị giá 120 tỷ euro

Các lãnh đạo EU đã nhất trí thông qua kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng trị giá 120 tỷ euro. Trong đó, 60 tỷ euro sẽ được bơm thêm vào nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, mua trái phiếu và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cơ quan giám sát ngân hàng chung cho toàn khối

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ trở thành cơ quan giám sát cao nhất của tất cả các ngân hàng trong khối eurozone. Theo nhận xét của Chủ tịch EC Herman Van Rompuy, đây là bước tiến đầu tiên nhằm thành lập một liên minh ngân hàng trong toàn khối và phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa các ngân hàng các nước có nguy cơ vỡ nợ. Các bước tiếp theo sẽ là thành lập quỹ cứu trợ chung cho các ngân hàng và chế độ bảo hiểm tiền gửi trên toàn châu Âu.

Sau quyết định này, đồng euro tăng thêm gần 2% và lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha và Italia ngay lập tức giảm xuống. Chứng khoán châu Âu tăng điểm mạnh mẽ với các cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu trước triển vọng tươi sáng hơn của hệ thống tài chính.

Bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng

Theo quy định hiện tại, nếu một nước không có đủ tiền để tái cấu trúc các ngân hàng, chính phủ có thể vay tiền từ quỹ cứu trợ của eurozone để làm việc này. Bơm vốn trực tiếp vào các ngân hàng có nghĩa là không có sự tham gia của chính phủ do đó chi phí đi vay không bị tăng lên. Điều này đã được EC và ECB cũng như IMF kêu gọi thực hiện từ lâu nhưng Đức không muốn điều này xảy ra cho đến khi cơ quan giám sát chung được thành lập.

Nới lỏng điều kiện cứu trợ cho các ngân hàng Tây Ban Nha
 
Tây Ban Nha sẽ nhận được khoản cứu trợ trị giá từ 51 đến 62 tỷ USD cũng như được nới lỏng các điều kiện cứu trợ dành cho các ngân hàng. Ban đầu, khoản cứu trợ đến từ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) và sau đó sẽ được chuyển sang quỹ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) sẽ được triển khai vào tháng 7 tới. 

Để xóa bỏ ảnh hưởng của việc Tây Ban Nha phải đi vay để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với lợi suất trái phiếu của nước này, tiền sẽ được bơm trực tiếp vào các ngân hàng với sự giám sát của ECB. Các ngân hàng sẽ sử dụng khoản vay trực tiếp từ quỹ ESM để trả lại các khoản nợ cho chính phủ và do đó lợi suất trái phiếu sẽ đảo chiều.
 
Linh hoạt hơn khi tiếp cận các biện pháp can thiệp vào thị trường trái phiếu

Với các yêu cầu từ Tây Ban Nha và Italia, các lãnh đạo EU đã quyết định nới lỏng điều kiện cho phép các nước có được sự trợ giúp từ eurozone nhằm giảm bớt chi phí đi vay. Các quỹ EFSF và ESM sẽ sử dụng tất cả các công cụ như mua vào trên thị trường trái phiếu sơ cấp và thứ cấp hay rất nhiều các công cụ đòn bẩy khác.

Các nước vẫn sẽ phải nộp đơn yêu cầu trợ giúp và kí vào biên bản ghi nhớ để có thể nhận được sự trợ giúp này. Trước đây, bộ ba EC, ECB và IMF sẽ giám sát chặt chẽ các bước tiến trong cải cách của các nước để có thể quyết định nước đó có tiếp tục được nhận các gói cứu trợ hay không. Tuy nhiên, giờ đây các điều kiện sẽ được nới lỏng khi không có sự giám sát của IMF và hàng quý cũng không có các cuộc thanh tra của bộ ba này.

Nguồn CafeF


Sự kiện