Thứ Tư | 15/07/2015 15:32

Các quỹ ồ ạt rời Trung Quốc

Dù giảm 24% so với mức đỉnh hồi tháng 6, hệ số P/E của Shanghai Composite vẫn cao hơn bất kỳ thị trường nào trong 10 TTCK lớn nhất thế giới.

Nhiều năm đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đã dạy Garry Laurence - nhà quản lý tiền tệ tại Perpetual Ltd trụ sở tại Sydney - rằng sự biến động cực đại sẽ tạo ra cơ hội. Hai tháng qua, Laurence đã “xả hàng” toàn bộ cổ phiếu A (cổ phiếu giao dịch trên sàn Thượng Hải) khỏi danh mục đầu tư toàn cầu của Perpetual. Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn New York và Hong Kong hấp dẫn hơn khi giá bình quân chỉ bằng ½ so với các sàn chứng khoán đại lục.

Thậm chí sau khi giảm 24% so với mức đỉnh hồi tháng 6, Chỉ số Shanghai Composite vẫn có hệ số P/E cao hơn bất kỳ thị trường nào trong số 10 TTCK lớn nhất thế giới.

Ông Laurence đã bán hết cổ phiếu của Kweichow Moutai Co - hãng sản xuất sản phẩm rượu được các quan chức Trung Quốc ưa chuộng - sau khi giá trị cổ phiếu này tăng 2 lần trong chưa đến 12 tháng. Ông cũng bán hết cổ phiếu của một công ty sản xuất rượu khác, Wuliangye Yibin Co, và Công ty Bảo hiểm Ping An Insurance Group Co. Thay vào đó, Laurance mua vào cổ phiếu của Shinhan Financial Group Co - Ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc và mua thêm cổ phiếu châu Âu khi thị trường này giảm điểm trong tháng 6.

Sau khi thị trường chứng khoán “bốc hơi” gần 4.000 tỷ USD, chính phủ Trung Quốc đã phải tiến hành nhiều biện pháp giải cứu vô tiền khoáng hậu. Và kết quả là thị trường đã hồi phục 13% trong 3 phiên kết thúc vào 13/7. Một số tổ chức như BlackRock, UBS Group AG và Templeton Emerging Markets Group nhận định chứng khoán đại lục cần phải giảm hơn nữa mới đáng để mua vào. Đến phiên sáng thứ Ba 14/7, Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,2%.

Chris Hall, đồng phụ trách bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á tại BlackRock - quỹ quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới, cho biết, gần đây, chúng tôi chú trọng nhiều hơn vào thị trường cổ phiếu H vì chúng mang lại cơ hội tốt hơn.

Nhóm cổ phiếu H, cổ phiếu của các công ty đại lục niêm yết trên sàn Hong Kong, có giá rẻ hơn 52% so với giá cổ phiếu của các công ty giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, theo số liệu của Bloomberg.

Theo Willie Chan, nhà phân tích tại Maybank Kim Eng Holdings Ltd, giới đầu tư nên tận dụng bất cứ đợt hồi phục nào để bán ra cổ phiếu đại lục.

Bên ngoài Trung Quốc, ông Laurence ưa chuộng cổ phiếu của Zhaopin Ltd, công ty Internet có mức giá cổ phiếu niêm yết trên sàn New York rẻ hơn 64% so với trên thị trường Trung Quốc.

Ông Laurence cho biết, mấy năm trước, Perpetual nắm giữ cổ phiếu A vì chúng được định giá thấp hơn giá trị thực. Sau đó, khi chúng được định giá lại ở mức mà Perpetual không còn cảm thấy phù hợp nữa.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg