Các quy định quốc tế thay đổi chuỗi cung ứng Mỹ như thế nào?
Trong số đó, có thể kể đến như các phiên điều trần của quốc hội Mỹ về đạo luật An toàn Mỹ phẩm, chiến dịch phản đối quy định cho phép chất bisphenol-A có mặt trong bao bì thực phẩm của Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) Mỹ, hay cuộc tranh luận không hồi kết giữa các nhóm ngành công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các chính trị tra về việc sửa đổi và bổ sung đạo luật Kiểm soát các chất độc hại (TSCA) đã tồn tại trong suốt 36 năm trong hệ thống luật pháp Mỹ.
Khi chứng kiến những cuộc tranh luận không hồi kết đó, những người đặt nhiều kỳ vọng để rồi cảm thấy hối tiếc nhất chính là các tổ chức bảo vệ môi trường. Rất nhiều trong số các tổ chức này từng nuôi kỳ vọng chính phủ Mỹ sẽ thực hiện những thay đổi có ý nghĩa trong hệ thống quy định hóa học nhằm ngăn chặn những tác động xấu tới môi trường.
Cho đến hiện tại, mặc dù những rắc rối xoay quanh việc nên hay không nên thực hiện cải cách trên quy mô lớn đối với hệ thống luật pháp Mỹ được dàn xếp và tạm lắng, các doanh nghiệp sản xuất Mỹ vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm bởi vẫn còn một loạt quy định quốc tế khác đang đợi họ phía trước.
Những đối tượng đầu tiên bị REACH và RoHS nhắm tới chính là các công ty chuyên trách việc vận chuyển lượng lớn hàng hóa vào EU. Mặc dù EU tuyên bố sẽ miễn trừ thực hiện quy định đối với các doanh nghiệp vận chuyển nhỏ lẻ cho đến năm 2017, song đại đa số các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở châu Âu đều bắt đầu phải nghiêm túc tuân thủ các quy định này.
Không chỉ ở châu Âu, các doanh nghiệp Mỹ còn vấp phải hàng loạt quy định ở những khu vực khác, điển hình như Canada. Tháng trước, chính phủ Canada đã liệt chất triclosan - một loại chất kháng khuẩn có trong kem đánh răng - vào nhóm chất độc hại theo Luật bảo vệ môi trường Canada. Quyết định này khiến các doanh nghiệp Mỹ "toát mồ hôi" bởi nó có thể khiến các sản phẩm chăm sóc cá nhân chứa triclosan bị cấm bán hoàn toàn và những công ty đang làm ăn tại Canada có thể phải "cuốn gói" khỏi miền Bắc nước Mỹ.
Khi vấp phải hàng loạt quy định, thông thường các doanh nghiệp Mỹ sẽ thực hiện những thay đổi trước khi chính phủ liên bang hoặc khách hàng quốc tế buộc họ tuân thủ các quy định. Thậm chí, nhiều công ty còn tiến hành loại bỏ hầu hết các chất hóa học ra khỏi sản phẩm dù ngay cả khi TSCA còn chưa kịp sửa đổi.
Tuy nhiên, dù những quy định này có được thay đổi hay không, hầu hết các công ty Mỹ hoạt động ở thị trường nước ngoài hay sở hữu chuỗi cung ứng toàn cầu đều nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi, cũng như thắt chặt kiểm soát hơn các thành phần có trong sản phẩm của họ.
Ban đầu, việc tuân thủ hàng núi quy định như vậy thực sự là một nhiệm vụ nặng nề, song một số công ty và các nhà tư vấn Mỹ sớm nhận ra rằng một khi họ đầu tư tiền bạc, thời gian và nỗ lực xây dựng một hệ thống giám sát chặt chẽ hơn, hiểu biết sâu sắc hơn về quá trình sản xuất cũng như các thành phần có trong sản phẩm, họ có thể đổi mới sản phẩm đó cũng như tiết kiệm được một lượng lớn chi phí sản xuất.
Phó chủ tịch của công ty tư vấn giải pháp SAP, ông Scott Bolick, cho biết: "Từ năm 2007 đến 2009, số lượng các quy định liên quan tới vật liệu sản xuất sản phẩm tăng khoảng 70%. Có thể kể đến như RoHS, WEEE, REACH... những quy định này không chỉ khác nhau ở từng quốc gia mà còn ngày một chặt chẽ hơn theo thời gian. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp Mỹ cần phải quản lý mọi thứ. Sẽ đến lúc, các công ty toàn cầu buộc phải hiểu rõ những chất hóa học và các thành phẩn có trong các sản phẩm mà họ đang vận chuyển".
Mặc dù cách làm này tốn khá phức tạp và cũng rất tốn kém, song nó có thể giúp các công ty tuân thủ từ 60-70% quy định.
Bên cạnh đó, nó cũng giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian hơn trong quá trình sản xuất. Công ty công nghệ sinh học Varian Medical Systems cho biết nhờ các sản phẩm và các phần đã được phân loại, họ có thể tiến hành các thay đổi đối với sản phẩm nhanh hơn so với trước kia. Thay vì phải mất hơn 2 tuần để có được sản phẩm mới, họ chỉ mất có 5 ngày để hoàn thiện.
Theo chủ tịch và đối tác quản lý chuỗi cung ứng của tập đoàn Design Chain Associates, ông Mike Kirschner, cho đến nay phần lớn các doanh nghiệp Mỹ vẫn giữ thói quen đối phó với các quy định. Tuy nhiên, ông cho rằng việc tuân thủ các quy định chính là một cơ hội đáng quý giúp các doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh.
"Trong một số thị trường cũng như với một số loại sản phẩm nhất định, nếu bạn chứng minh được sản phẩm của mình thân thiện hơn với môi trường, bạn sẽ có một lợi thế cạnh tranh cực lớn. Nếu bạn có thể chắc chắn về điều bạn đang nói và khiến mọi người tâm phục khẩu phục, bạn đang có lợi thế. Nhưng sẽ còn lợi thế hơn nữa nếu bạn chứng minh được sản phẩm của mình tốt hơn cho môi trường so với các sản phẩm khác", ông Kirschner nói.
Mặc dù vậy, ông Kirschner cảnh báo các công ty nên cẩn trọng khi kết hợp cả việc tuân thủ các quy định và đổi mới sản phẩm. Chẳng hạn, một công ty sẽ gặp rắc rối lớn nếu chẳng may thay thế một chất độc bằng một chất khác độc hại hơn.
"Những sai lầm đáng tiếc có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chẳng hạn như việc thay thế chất gây ung thư gan có trong phụ gia MTBE pha trong xăng bằng một loại độc tố trong thủy sản. Ngành công nghiệp thuốc trừ sâu cũng là một ví dụ điển hình của việc thay chất độc này bằng chất độc khác. Hay như ngành công nghiệp điện tử châu Âu, các công ty cố gắng loại bỏ chì trong các mối hạn, song lại thay thế bằng một hợp chất khác có hại không kém. Do đó, nếu không kiểm tra kỹ lưỡng các chất thay thế, hậu quả sẽ vô cùng khôn lường, ông nói.
Nguồn Forbes/Dân Việt