Các quy định cuối cùng của Basel III đã hoàn toàn có hiệu lực
Ngày 3/3/2015, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã công bố báo cáo nghiên cứu mới nhất về kết quả thực hiện các qui định Basel III do Ủy ban Basel tiến hành.
Trong tổng số 224 ngân hàng tham gia nghiên cứu này, có 98 ngân hàng quốc tế hàng đầu (gọi là ngân hàng nhóm 1, nhóm ngân hàng này có vốn cổ phần cấp 1 đạt trên 3 tỉ euro), những ngân hàng còn lại gọi là ngân hàng nhóm 2 (126 ngân hàng, đại diện cho những ngân hàng còn lại).
Dựa trên dữ liệu cập nhật đến ngày 30/6/2014, kết quả nghiên cứu cho thấy, các qui định cuối cùng của Basel III đã hoàn toàn có hiệu lực. Đó là, không tính đến những biên soạn chuyển đổi ngoài khung khổ Basel III, như giai đoạn khấu trừ từng bước từ vốn điều tiết; không có giả định về lợi nhuận ngân hàng hay phản ứng theo hành vi, như thay đổi về vốn ngân hàng hay cơ cấu bảng cân đối tài sản. Vì lý do đó, không thể so sánh các kết quả nghiên cứu với đánh giá hoạt động kinh doanh.
Dữ liệu cập nhật ngày 30/6/2014 cho thấy, tất cả các ngân hàng lớn trên thế giới đều đã đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu dựa trên rủi ro theo qui định Basel III. Hơn nữa, thâm hụt nguồn vốn so với yêu cầu do Basel đề ra tiếp tục giảm. Thí dụ, so với yêu cầu tối thiểu 7,0% đối với vốn cổ phần cấp 1 (cộng với nguồn vốn tăng thêm đối với các ngân hàng nhóm 1), thâm hụt tổng thể của các ngân hàng nhóm 1 là 3,9 tỉ euro, giảm mạnh từ 15,1 tỉ euro vào ngày 31/12/2013, và 485,6 tỉ euro vào ngày 30/6/2011. Trong sáu tháng đầu năm 2014, tổng lợi nhuận ròng chưa chia của nhóm ngân hàng này là 210,1 tỉ euro.
Với giả định tương tự, thâm hụt nguồn vốn tại các ngân hàng nhóm 2 vào khoảng 0,1 tỉ euro so với tỉ lệ vốn cổ phần cấp 2 tối thiểu 4,5% và 1,8 tỉ euro so với tỉ lệ vốn cổ phần cấp 1 tối thiểu 7%. Như vậy, mức thâm hụt đã giảm từ con số 2,0 tỉ euro và 9,4 tỉ euro trong giai đoạn trước đó. Theo khung khổ Basel III, tỉ lệ vốn cổ phần tối thiểu tại các ngân hàng nhóm 1 đạt 10,8% và tại các ngân hàng nhóm 2 đạt 11,8%.
Theo khung khổ basel III, qui định về khả năng thanh toán ngay (tỉ lệ thanh khoản tối thiểu - LCR) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Bước đầu, các ngân hàng phải đáp ứng 60% nhu cầu thanh toán tức thì, sau sẽ tăng dần qua từng năm và đáp ứng 100% nhu cầu thanh toán vào năm 2019. Tỉ lệ thanh khoản bình quân gia quyền đối với các ngân hàng thuộc nhóm 1 đạt 121% vào ngày 30/6/2014, tăng từ tỉ lệ 119% trong 6 tháng trước đó.
Đối với các ngân hàng nhóm 2, tỉ lệ thanh khoản bình quân gia quyền đạt 140% vào ngày 30/6/2014, tăng từ tỉ lệ 132% trong sáu tháng trước đó. Trong số các ngân hàng được chọn, tới 80% ngân hàng báo cáo có LCR đạt hoặc vượt tỉ lệ 100%, trong khi 96% ngân hàng báo cáo đạt hoặc vượt tỉ lệ 60%.
Basel III cũng đưa ra qui định về khả năng thanh toán dài hạn (gọi là mức quĩ ổn định ròng - NSFR), được Ủy ban Basel hoàn tất vào tháng 10/2014. Dữ liệu cập nhật đến 30/6/2014 cho thấy, tỉ lệ NSFR bình quân gia quyền tại các ngân hàng nhóm 1 đạt 110%, tại các ngân hàng nhóm 2 đạt 114%.
Trong số 212 ngân hàng tham gia đợt khảo sát, có 80% ngân hàng báo cáo đạt tỉ lệ 100% hoặc cao hơn, 92% ngân hàng báo cáo đạt trên 90% tỉ lệ này.
Nguồn DVO/SBV