Các cổ phiếu công nghệ đã sụt giảm vào đầu năm trong bối cảnh lãi suất tăng và kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Ảnh: Malte Mueller.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á sẽ "kén chọn" hơn trong 2023
Các công ty đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á có thể sẽ "kén chọn" hơn trong năm tới, với việc định giá lao dốc và một loạt thách thức kinh tế đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp vào năm 2022.
Ông Yinglan Tan, CEO tại quỹ đầu tư Insignia Ventures Partners có trụ sở tại Singapore cho biết: “Kỷ nguyên tín dụng nới lỏng đã là quá khứ.”
Ông Jeffrey Joe, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Alpha JWC Ventures có trụ sở tại Indonesia, cho biết: “Điều quan trọng nhất cần chú ý trong năm tới là cách doanh nghiệp sẽ phát triển, bảo vệ giá trị và tồn tại trong môi trường đầy thách thức.”
Theo công ty dữ liệu Crunchbase, các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm chỉ huy động được 369 tỉ USD trong ba quý đầu năm 2022, khác xa so với mức kỷ lục 679,4 tỉ USD trên toàn cầu vào năm ngoái, tăng 98% so với cùng kỳ năm trước đó.
“Theo quan sát của chúng tôi, số vốn đầu tư mạo hiểm được các quỹ Đông Nam Á triển khai đã giảm khoảng 25-30% trong năm nay. Mức giảm thậm chí còn lớn hơn ở Indonesia. Sự sụt giảm này diễn ra chủ yếu trong các vòng gọi vốn từ Series B trở về sau”, ông Gavin Teo, một quản lý tại Altara Ventures, cho biết.
Vòng xoáy tiền tệ
Các cổ phiếu công nghệ đã sụt giảm vào đầu năm trong bối cảnh lãi suất tăng và kết quả kinh doanh đáng thất vọng. Startup ở Đông Nam Á phần lớn vẫn chưa có lãi, với những cái tên như Sea Group và Grab, với mức thiệt hại hàng năm lên đến hàng tỉ.
"Trong 10 năm qua, thế giới đầu tư bao trùm tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội). Các nhà đầu tư tên tuổi rót tiền vào sàn giao dịch tiền ảo vừa phá sản FTX thời gian qua cũng vì sợ bỏ lỡ cơ hội". Ông Peng. T Ong, người đồng sáng lập kiêm quản lý tại Monk’s Hill Ventures, cho biết.
Các công ty công nghệ Đông Nam Á đã mất hầu hết giá trị kể từ khi lên sàn. Tập đoàn thương mại điện tử “khổng lồ” - Sea Group - đã được niêm yết trên NYSE hiện có mức vốn hóa ở khoảng 30 tỉ USD, giảm so với mức hơn 200 tỉ USD vào cuối năm ngoái.
Mức định giá 400 nghìn tỉ rupiah (28 tỉ USD) của GoTo đã giảm hơn 75% kể từ khi ra mắt công chúng tại Jakarta vào tháng 4, trong khi Grab đã mất 69% so với mức định giá ban đầu khoảng 40 tỉ USD kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2021.
Doanh nghiệp trụ vững
Ông Tan của Insignia cho biết bối cảnh gây quỹ khó nhằn hơn là phép thử cho thấy tính bền vững thực sự của các mô hình kinh doanh và nhu cầu của ngành.
“Những công ty tồn tại qua mùa đông này sẽ thực sự tỏa sáng và chứng tỏ vị thế trong bối cảnh thị trường đi xuống. Vì vậy, theo một cách nào đó, thị trường đang tự chắt lọc cho các quỹ đầu tư.”, bà Jessica Koh, Giám đốc đầu tư của Vertex Ventures cho biết.
Một số lĩnh vực như thương mại nhanh đã chứng kiến “thương vong”. Thương mại nhanh hứa hẹn sẽ chuyển phát đơn đặt hàng đến tận tay khách hàng trong vòng chưa đầy 30 phút. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này đã phải dừng hoạt động. Đơn cử là công ty thương mại điện tử nhanh Bananas của Indonesia hồi tháng 10 thông báo sẽ ngừng hoạt động dù mới chỉ ra mắt được 10 tháng.
Công ty tạp hóa điện tử HappyFresh có trụ sở tại Indonesia đã ngừng hoạt động tại Malaysia sau 7 năm, trong khi Grab ngừng dịch vụ thương mại nhanh GrabMart Kilat tại Indonesia. Trên bình diện quốc tế, một số công ty – Gopuff, Gorillas, Jiffy, Getir, Zapp và Buyk, đã tuyên bố đóng cửa, thay đổi chiến lược hoặc sa thải nhân viên.
Ông Tan của Insignia cho biết, với dòng vốn siết chặt như hiện tại, những công ty nào chưa sẵn sàng cho môi trường đầy thách thức sẽ lộ diện rõ ràng hơn.
Có thể bạn quan tâm:
"Món quà" lớn nhất của người làm dịch vụ nước Mỹ
Nguồn CNBC