Thứ Ba | 28/08/2012 10:11

Các quỹ đầu cơ giảm đặt cược vào USD mạnh nhất từ trước đến nay

Các quỹ đầu cơ đang ngừng đặt cược đồng USD tăng, dù đồng tiền nước Mỹ đang mạnh hơn khi sự tự tin về nền kinh tế toàn cầu được cải thiện.
Các quỹ và giới đầu cơ giảm đặt cược đồng USD tăng giá với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay trong bối cảnh niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu ngày càng tăng.

Trước đó, trong tháng 6, số hợp đồng kỳ hạn đặt cược đồng USD tăng đạt mức kỷ lục khi đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần như chững lại, trong khi các nhà đầu tư bắt đầu tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro.

Tuy nhiên, xu hướng đặt cược đồng USD tăng đang đảo ngược trong bối cảnh các ngân hàng trung ương, từ Trung Quốc tới Mỹ, đều tuyên bố sẽ tăng cường kích thích kinh tế. Chính điều đó đã thúc đẩy các nhà quản lý tiền tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, từ Thụy Điển cho tới Australia.

Hiện tại, các thương nhân dường như ít hào hứng với sự an toàn tương đối của các tài sản bằng đồng USD. Nguyên nhân là do chi phí bảo hiểm dành cho các loại trái phiếu chính phủ của các nước thuộc nhóm G10 và nhiều nước khác thấp nhất năm, trong khi cổ phiếu đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.

Tuần trước, đồng USD giảm 1,4% so với đồng euro và giao dịch ở 1,25 USD/euro. USD cũng giảm 1,1% so với yên xuống còn 78,67 yên.

Theo số liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa giao sau (CFTC), số hợp đồng đặt cược đồng USD xuống giá đã lên 131.512 hợp đồng, so với con số 311.000 hợp đồng đặt cược đồng USD tăng trong ngày 5/6. Đây cũng là sự đảo ngược lớn nhất từng được ghi nhận.

Theo ước tính trung bình của hơn 50 nhà dự báo tham gia khảo sát của Bloomberg, đồng USD sẽ tăng lên 1,21 USD/euro vào cuối năm nay và ít biến động so với đồng yên.

Theo các nhà phân tích, sự thay đổi trong xu hướng đặt cược đồng USD không phải phản ánh sự thiếu lạc quan vào nền kinh tế Mỹ, mà thể hiện sự kỳ vọng ngày càng tăng của thị trường rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ nỗ lực hơn nữa để kích thích nền kinh tế thông qua một số biện pháp, như bơm tiền vào hệ thống ngân hàng hoặc khởi động tiếp chương trình mua trái phiếu, hay còn gọi là gói nới lỏng định lượng QE3.

Trong khi kỳ vọng vào đồng USD tăng giá giảm mạnh trên thị trường kỳ hạn, các nhà đầu tư bắt đầu quay lại với trái phiếu chính phủ Mỹ sau khi bán tháo trong tháng trước. Đây là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư vẫn đặt niềm tin vào khả năng tăng trưởng của nước Mỹ. Theo ước tính trung bình của 70 nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng 2,15% trong năm nay.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện