Chủ Nhật | 11/05/2014 21:53

Các nước lo ngại Trung Quốc sẽ hiện thực hóa đường lưỡi bò

Bên lề Hội nghị Asean 2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với báo chí về tình hình Biển Đông và chính sách của ASEAN.
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông sau 20 năm. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 và gần 80 tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông (DOC), đặt ra tiền lệ giàn khoan có thể di chuyển bất cứ đâu, vào bất cứ nước nào. Điều này làm các nước lo ngại thực sự. Lần đầu tiên, các nước không liên quan trực tiếp cũng thấy lo ngại. Qua thất bại của ASEAN năm 2012, các nước nhận ra cần tăng cường đoàn kết, nếu không đoàn kết, không có tiếng nói chung thì sẽ bị chia rẽ.

Tại hội nghị cấp cao này, Việt Nam đã nêu diễn biến ở Biển Đông phức tạp, nguy hiểm, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực; nói rõ hành động của Trung Quốc đang sử dụng số lượng hơn 80 tàu vũ trang đâm, va chạm với các tàu của Việt Nam. Thông tin đó làm các nước đã rất lo ngại.

Các nước đều phát biểu mong muốn các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, cùng đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS và DOC, và càng thấy phải nhanh chóng xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) để đảm bảo không xảy ra vụ việc tương tự. Đây là phát biểu chung của các nước.

Tại hội nghị lần này các bộ trưởng đã tuyên bố riêng lần đầu tiên sau 20 năm. Điều này thể hiện sự lo ngại của các nước, không chỉ các nước có chủ quyền ở biển Đông, mà cả những nước không có chủ quyền, vì hành động đó ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, hoàn bình, và tự do hàng hải ở đây.

Sau tuyên bố riêng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra phản bác. Vậy ASEAN sẽ làm gì để tiến tới COC với Trung Quốc?
Giữa ASEAN và Trung Quốc có nhiều tuyên bố. Năm 2012 nhân 10 năm có DOC thì tại Campuchia các nhà lãnh đạo có tuyên bố chung về Biển Đông… Có thể nói, tuyên bố riêng của các bộ trưởng về tình hình Biển Đông cũng nhắc lại những thỏa thuận, hay tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuyên bố đó sẽ chuyển đến Trung Quốc, và là tiếng nói chung của ASEAN về vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề. Vậy bước tiếp theo là gì, sau ngoại giao song phương, đa phương?

Chúng ta mong muốn luôn giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục làm. Thông qua các kênh ngoại giao trao đổi với Trung Quốc để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Đây là chủ quyền thiêng liêng, nên phải thực hiện các biện pháp thích hợp cần thiết và hòa bình, và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đưa giàn khoan vào vào thời điểm rất đặc biệt. Nhận định của các nước về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta có thể hiểu, việc đưa giàn khoan vào là hiện thực hóa đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố. Vì vậy, nó gây lo ngại cho các nước có biển Đông. Các nước lo ngại, Trung Quốc sẽ hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Nguồn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn


Sự kiện