Ảnh: Nikkei Asian Review.
Các nước Đông Nam Á giảm tốc độ tăng lương tối thiểu để duy trì sức cạnh tranh của lực lượng lao động với Trung Quốc
Thái Lan muốn làm giảm ảnh hưởng của các đợt tăng lương lên các ngành công nghiệp khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung trong khi Việt Nam vẫn muốn giữ chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc. Ngay cả khi những người công nhân đề nghị được trả lương cao hơn, chính phủ ở các quốc gia này vẫn đang nỗ lực để giữ vững các lợi thế cho ngành sản xuất của họ.
Mức lương tối thiểu mỗi ngày của Thái Lan dự kiến sẽ tăng 1,8% lên mức 331 baht (tương ứng 11 USD) vào tháng 1/2020. Mức tăng này chưa bằng một nửa so với mức tăng 4,8% trong tháng 4/2018.
Đảng cầm quyền thân quân đội - Palang Pracharath đã cam kết với người dân trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3/2019 về mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 400 Baht nhưng hiện tại họ lại quyết định giảm tốc độ tăng lương. Do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung và sự mạnh lên của đồng Baht, hoạt động xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc giảm mạnh, từ đó kéo theo nền kinh tế đi xuống.
Các doanh nghiệp hiện đang phản đối với bất kỳ sự gia tăng mạnh nào trong tiền lương. Supant Mongkolsuthree, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho biết: "Nếu mức lương tối thiểu tăng theo đúng cam kết trong chiến dịch bầu cử, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị thiệt hại nặng nề". Vì vậy, Chính phủ Thái Lan sẽ chia thành từng đợt tăng lương tối thiểu trong 4 năm tới.
Tại Việt Nam, các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM sẽ tăng mức lương tối thiểu hàng tháng thêm 5,7% lên mức 4,42 triệu đồng (tương đương 190 USD). Con số này cao hơn mức tăng 5% trong tháng 1/2019.
Trước năm 2016, Việt Nam tăng lương tối thiểu ít nhất 10% mỗi năm. Tuy nhiên, việc này đã làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về chi phí lao động, đặc biệt trong ngành may mặc.
Đối với Malaysia, 57 thành phố lớn bao gồm cả Kuala Lumpur sẽ nâng mức lương tối thiểu hàng tháng thêm 9%, lên mức 1.200 ringgit (tương đương 290 USD) vào tháng 1/2020. Chính sách này cho thấy một sự sụt giảm từ mức tăng 10-20% của một năm trước đó. Đặc biệt, việc tăng lương sẽ không diễn ra ở khu vực nông thôn, nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cam kết tăng lương tối thiểu lên 1.500 ringgit trong đợt bầu cử năm 2018. |
Trước khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, liên minh của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã cam kết sẽ tăng mức lương tối thiểu lên 1.500 ringgit trong vòng 5 năm.
Thủ đô Jakarta của Indonesia dường như là một ngoại lệ. Mức lương tối thiểu hàng tháng của thành phố này sẽ tăng 8,5% lên khoảng 4,28 triệu rupiah (tương đương 304 USD) vào tháng 1/2020 tới đây - nhiều hơn mức tăng 8% của năm trước đó. Nguyên nhân của chính sách này là vì mức lương được xác định bởi lạm phát và tăng trưởng GDP, đồng thời mức tăng lương tối thiểu 8% đã được giữ nguyên trong nhiều năm qua.
Các nước Đông Nam Á đang được hưởng lợi trong lĩnh vực sản xuất nhờ vào việc chi phí lao động tại Trung Quốc đang leo thang. Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết mức lương tối thiểu của Jakarta chỉ bằng khoảng 80% mức lương cơ bản tại Bắc Kinh tính theo USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, kể từ năm 2015 trở đi, mức lương tối thiểu của Jakarta đã tăng lên bằng 90% so với mức lương ở Trung Quốc. Ngược lại, chênh lệch mức lương cơ bản giữa Phnom Penh (Campuchia) so với Bắc Kinh đã giảm từ 50 điểm phần trăm xuống còn 40 điểm phần trăm trong những năm qua.
► Chính sách nhà giá rẻ tạo ra nhiều thành phố ma ở Trung Quốc
► Bốn con hổ của Châu Á: Điều thần kỳ đã là quá khứ, thách thức đang tới
Nguồn Nikkei