Ảnh: Financial Times
Các nước đổ xô dự trữ thực phẩm, hạn chế xuất khẩu lương thực
Reda Hachelaf đã trải qua vài tuần thật bận rộn. Vị Tổng giám đốc của SOPI – một nhà sản xuất món couscous và pasta ở Algeria – không thể nào đáp ứng nhu cầu ngày một tăng từ các nhà bán lẻ. Trong thời gian gần đây, các kệ hàng của các nhà bán lẻ trống trơn khi hàng loạt người dân đổ xô mua lương thực dự trữ mùa đại dịch.
Lượng hàng cung ứng trong 1 tháng giờ được bán đi trong 2 tuần.
“Vấn đề ở đây là nhu cầu tăng đột ngột vì các gia đình tích trữ lương thực, đo đó nhu cầu bị dồn nén trong khoảng thời gian ngắn hơn”, ông nói.
Làn sóng dự trữ thực phẩm trên diện rộng ở các thành phố từ Maghreb cho đến Manila đã đẩy giá ngũ cốc tăng mạnh, khiến các quốc gia phải ưu tiên an ninh thực phẩm trong các chương trình nghị sự mùa dịch Covid-19.
Các quốc gia như Algeria, Morocco và Philippines đã tăng cường nỗ lực dự trữ ngũ cốc, khi các nhà sản xuất lớn bao gồm Nga (nhà sản xuất lúa mì hàng đầu) và Việt Nam (nhà xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới) ra lệnh giới hạn xuatask hẩu. Các quốc gia nhập khẩu lương thực cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu hậu cần, bao gồm cả việc thiếu tài xế xe tải và xe lửa, nhân viên cảng biển tại Pháp – cũng là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu.
Ở Ai Cập – quốc gia mua ngũ cốc nhiều nhất thế giới, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi tuần này yêu cầu tăng dự trữ chiến lược những mặt hàng tiêu dùng, trong khi ở Philippines – vốn phụ thuộc vào nguồn cung ứng gạo từ việt Nam, Thư ký Nội các Karlo Nograles cho biết Chính phủ dự định nhập khẩu gạo để tăng nguồn cung ứng.
|
|
Hoạt động giao dịch lúa mì trên toàn cầu. Nguồn: Financial Times |
Tuần trước, Ả-rập Saudi đặt mua thêm lúa mạch, Algeria trả giá cao hơn 8% so với 2 tuần trước đó đối với một số lô hàng lúa mì, trong khi các thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá cao hơn 10% so với 2 tuần trước đó, theo Tom Houghton, nhà phân tích tại công ty AgriCensus.
Mặc dù các thị trường hàng hóa khác đã giảm mạnh trong vài tuần gần đây, nhưng tình trạng tích trữ lương thực đã thúc đẩy giá ngũ cốc. Hợp đồng lúa mì tương lai đã tăng 10% kể từ giữa tháng 3/2020, lên 5,5 USD/giạ. Trong khi đó, giá lúa mì tại Pháp đã tăng 11%. Giá gạo chuẩn của Việt Nam đã tăng trưởng 14% lên 410 USD/tấn kể từ đầu năm 2020.
Tình trạng hiện nay làm gợi nhớ lại ký ức đau thương trong quá khứ. Trong thời kỳ hạn hán nghiêm trọng trong năm 2007-2008, giá thực phẩm thế giới đã tăng vọt, dẫn tới các cuộc bạo loạn về thực phẩm tại các quốc gia châu Phi. Cùng lúc đó, một số quốc gia đã áp lệnh hạn chế xuất khẩu – một yếu tố thúc đẩy giá hàng tiêu dùng. Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Nga trong năm 2010 cũng khiến giá thực phẩm tại vùng Trung Đông tăng mạnh, từ đó góp phần dẫn tới sự kiện “Mùa Xuân Ả-rập” (Arab Spring) – trong đó nổi lên các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Ả-rập.
Điểm khác biệt ở đây là hiện nay, phần lớn nhà sản xuất có mùa thu hoạch thuận lợi và nguồn cung vẫn dồi dào. Dự trữ lúa mì toàn cầu cho năm 2019-20 dự kiến sẽ là 277 triệu tấn, cao hơn một chút so với năm trước và cao hơn 3% so với mức trung bình 5 năm, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc. Dự trữ gạo thế giới ở gần với mức cao kỷ lục của năm 2019, đủ để đáp ứng nhu cầu của thế giới trong 4 tháng.
Dự trữ gạo toàn cầu. Nguồn: Financial Times |
Mặc dù vậy, các lệnh hạn chế xuất khẩu, đà tăng giá và làn sóng đổ xô tích trữ vẫn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, các nhà phân tích cảnh báo.
Joe Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại nhà tư tưởng của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế và từng là nhà kinh tế trưởng tại Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết: “Chúng ta có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng khi mà hiện tại thực sự chẳng có cuộc khủng hoảng nào cả”.
Một số nước xuất khẩu, đặc biệt là những nước bị ảnh hưởng bởi sự rối loạn của các đồng tiền thị trường mới nổi, đã thực hiện các bước để hạn chế xuất khẩu khi họ lo lắng về lạm phát giá lương thực trong nước. Tình trạng lạm phát đã trở nên tồi tệ hơn vì người dân hoảng loạn và đổ xô mua lương thực tại các siêu thị.
Ở Nga, đồng rúp giảm 16% so với đồng USD. Do đó, nông dân không muốn bán lúa mì cho các nhà máy xay bột trong nước, thay vào đó họ chọn thị trường xuất khẩu để bán và thu về bằng đồng USD. Tuần trước, Moscow đã đề xuất áp dụng hạn ngạch 7 triệu tấn đối với xuất khẩu lúa mì từ tháng 4-6/2020, cũng như sử dụng tới ngũ cốc từ dự trữ Nhà nước.
Những nhà xuất khẩu và nhập khẩu lúa mì hàng đầu. Ảnh: Financial Times |
“Đồng rúp đã suy yếu đáng kể và các nhà chức trách đang tỏ ra lo ngại, vì nhiều mặt hàng thực phẩm đã trở nên đắt đỏ hơn”, ông Andrey Sizov tại công ty tư vấn ngũ cốc SovEcon cho biết. “Các cơ quan chức năng đang chịu rất nhiều áp lực khi các nhà máy xay xát lúa mì cũng như các nhà chăn nuôi cảm thấy không hài lòng”.
Trong khi đó tại Việt Nam, các nhà phân tích ngành lúa gạo cho biết quyết định của Chính phủ về việc hạn chế các hợp đồng xuất khẩu mới là một biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh người tiêu dùng địa phương đổ xô mua một cách hoảng loạn.
“Ở một số nơi, mọi người trở nên rất lo lắng và họ đã đi chợ để mua gạo ở bất kỳ giá nào”, ông Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, nói.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành lúa gạo của Việt Nam, cho biết quyết định hạn chế xuất khẩu khiến những người trồng lúa bỏ lỡ cơ hội bán với giá cao hơn trước khi giá giảm trở lại.
“Những người nông dân đã phàn nàn rất nhiều trong những ngày gần đây”, ông nói.
Nguồn Financial Times