Thứ Ba | 18/12/2012 08:40

Các nước đang phát triển thất thoát 6.000 tỷ USD do tiền "bẩn"

Trong đó, Trung Quốc là nước thất thoát nhiều nhất do nạn tham nhũng, tội phạm và trốn thuế.
Luồng tiền "bẩn" chảy ra bên ngoài thông qua vấn nạn tham nhũng, tội phạm và trốn thuế gây thất thoát cho các nước đang phát triển gần 6.000 tỷ USD trong thập kỷ qua, báo cáo công bố hôm qua 17/12 của một nhóm giám sát tài chính Global Financial Integrity (GFI) cho biết.

Trung Quốc chiếm gần một nửa số tiền bẩn với hơn 858 tỷ USD chảy vào các thiên đường thuế và các ngân hàng phương Tây trong năm 2010, gấp 8 lần số tiền mà Malaysia và Mexico thất thoát.

Tiền bẩn khiến Mexico thất thoát 51,17 tỷ USD trong năm 2010 và tổng cộng trong thập kỷ qua, nước này thiệt hại khoảng 476 tỷ USD. Trong khi đó, Malaysia, nền kinh tế nặng về xuất khẩu và tầng lớp thượng lưu giàu có, đã thất thoát 64,38 tỷ USD trong năm 2010 và khoảng 285 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010.

Trong một báo cáo khác công bố vào tháng 10, GFI cho biết 602 tỷ USD dòng vốn bất hợp pháp đã chảy ra khỏi Trung Quốc vào năm 2011. Tổng cộng trong cả thập kỷ, Trung Quốc thất thoát khoảng 2.740 tỷ USD và số tiền này vẫn đang tăng lên.

Tổng luồng vốn bất hợp pháp tăng 11% so với năm trước, báo cáo của GFI, nhóm nghiên cứu hoạt động theo tôn chỉ ủng hộ việc hạn chế các dòng tiền bất hợp pháp cho biết.

"Tiền bẩn tiếp tục chảy ra khỏi các nước đang phát triển vào các thiên đường thuế ở nước ngoài và ngân hàng của các quốc gia phát triển", giám đốc GFI, ông Raymond Baker cho biết.

"Các nước đang phát triển thất thoát ngày càng nhiều tiền trong bối cảnh cả 2 nhóm nước giàu và nghèo đều đang phải đấu tranh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bản báo cáo trên là tiếng chuông cảnh tỉnh, thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện các biện pháp nhằm đối phó với những luồng vốn bất hợp pháp", ông Raymond Baker cho biết.

Trong số 10 nước chịu thiệt hại nhiều nhất do tiền bẩn, 3 nước gồm Ấn Độ, Nigeria và Philippines hiện đang phải đối mặt với những vấn nạn nghiêm trọng như tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo và các vấn đề an ninh nội bộ.

Thông qua báo cáo trên, GFI kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cải thiện nỗ lực ngăn chặn dòng chảy tiền bẩn bằng cách hạn chế các tài khoản ngân hàng bí mật, cải cách hải quan và các giao thức thương mại, yêu cầu các công ty đa quốc gia báo cáo lợi nhuận để ngăn chặn trốn thuế, đồng thời thực thi các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng rửa tiền.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện