CNBC
Các nước châu Á ngày càng lo ngại về tiền ảo
Các quan chức của các nền kinh tế lớn trong khu vực, bao gồm Úc, Hàn Quốc và Singapore có chung quan điểm lo ngại về bitcoin.
Theo CNBC, lo ngại của họ không phải là vô căn cứ khi giá trị giao dịch bitcoin ở châu Á là lớn nhất thế giới.
Vào cuối tháng 11, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm 80% hoạt động kinh doanh bitcoin trên toàn cầu, tờ Wall Street Journal trích dẫn dữ liệu từ công ty nghiên cứu CryptoCompare cho hay.
Giá của Bitcoin đã tăng hơn 1.500% trong năm nay. Sau đó, bitcoin đã quay đầu giảm giá mạnh. Nhiều người lo ngại rằng một đợt sụt giảm sâu có thể gây ra những tác động lên các thị trường tài chính.
Mặc dù vậy, các tổ chức tài chính lớn của thế giới vẫn đua nhau tung ra các sản phẩm tài chính liên quan tới tiền mật mã. CME và CBOE, hai sàn giao dịch hàng hóa lớn tại Mỹ, đã tung ra hợp đồng tương lai bitcoin. Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ và thế giới, thì cũng đang chuẩn bị xây dựng một nhóm chuyên giao dịch bitcoin và các loại tiền ảo khác.
Ngược lại, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thì có vẻ như không hoan nghênh các loại tiền mật mã. Thậm chí, nhiều nước đã đưa ra một số lời cảnh báo mạnh mẽ.
Sau đây là quan điểm của một số quốc gia châu Á về bitcoin:
Việt Nam: Bitcoin không phải là đồng tiền hợp pháp
Khi trả lời chất vấn trong kì họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Minh Hưng, đã khẳng định rằng bitcoin không phải là đồng tiền hợp lệ và phương tiện thanh toán hợp pháp, dựa trên các quy định hiện hành.
Mới đây, trả lời phỏng vấn VnExpress, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cũng nhận định bitcoin không phải là tiền tệ vì không do ngân hàng trung ương phát hành.
Trước làn sóng người dân Việt Nam đổ xô đi đầu cơ bitcoin, ông Phước cho rằng bitcoin là loại tài sản không được kiểm soát vì vậy không ai đứng ra bảo vệ người mua. Ông Phước cảnh báo “bong bóng bitcoin” có thể vỡ bất kì lúc nào. Ông đề xuất Chính phủ nên cấm việc mua bán bitcoin, chứ không chỉ là cấm sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán.
Trung Quốc: Muốn kiểm soát hoàn toàn
Trung Quốc đã nhanh chóng ngăn chặn hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo tại nước này, và cũng cấm việc giao dịch tiền ảo và hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu (ICO). Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nói rằng nếu họ không kiểm soát thị trường này thì chúng có thể tạo ra những rủi ro tài chính lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo CNBC, bất chấp lập trường cứng rắn với các loại tiền ảo do tư nhân phát hành và giao dịch phi tập trung, Trung Quốc thực sự ủng hộ việc sử dụng các loại tiền tệ kỹ thuật số. PBOC cho biết họ đang tìm cách phát hành đồng tiền số của Trung Quốc và đã thành lập một nhóm để phát triển dự án này.
Nhật Bản: Tiên phong hợp pháp hóa bitcoin
Nhật Bản là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo khác như là phương tiện thanh toán, đồng thời cũng cấp giấy phép hoạt động cho 11 sàn giao dịch tiền ảo ở nước này. Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc chưa có kế hoạch phát hành đồng tiền số riêng của mình.
Gần đây, ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng của giá bitcoin. Thống đốc Kuroda cho biết sư tăng giá như đã xảy ra là "bất thường" và "bitcoin" là một công cụ đầu cơ chứ không phải là phương tiện thanh toán.
Ấn Độ: Lo ngại sử dụng tiền ảo cho các hoạt động trái phép
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro giao dịch tiền ảo. Nhà chức trách tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới cũng lo ngại rằng tiền ảo có thể được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền hay là tài trợ khủng bố.
Tuần trước, chính quyền Ấn Độ đã mở rộng cuộc điều tra của họ vào những hành động vi sai trái liên quan đến tiền mật mã.
Hàn Quốc: Giám sát các định chế tài chính
Hàn Quốc đã cấm các tổ chức tài chính của mình giao dịch tiền tệ ảo, bao gồm mua, sở hữu hoặc nắm giữ chúng như là tài sản thế chấp. Hoạt động ICO cũng sẽ bị cấm, Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố đầu tháng này.
Theo AFP, Hàn Quốc chiếm khoảng 20% lượng giao dịch bitcoin trên toàn thế giới. Hiện tại, ước tính có khoảng một triệu người Hàn Quốc đang nắm giữ bitcoin.
Úc: Bitcoin là một "cơn sốt đầu cơ"
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc, ông Philip Lowe, đã gọi cơn sốt tiền ảo là sự đầu cơ điên cuồng và cho biết thêm rằng tiền ảo có thể hấp dẫn hơn đối với những người giao dịch trong nền kinh tế bất hợp pháp, hơn là người tiêu dùng.
Ngân hàng Dự trữ Úc cũng chưa nghĩ đến việc phát hành một loại tiền kỹ thuật số, đóng vai trò như là một đồng nội tệ, trong thời gian tới.
New Zealand: Bitcoin là "ví dụ kinh điển" của một bong bóng
Grant Spencer, quyền thống đốc Ngân hàng Dự trữ New Zealand, cho biết giá bitcoin biến động quá mạnh và là một “ví dụ kinh điển” cho một đợt bong bóng.
Đông Nam Á: Gợi nhớ cuộc khủng hoảng năm 1997
Đông Nam Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và các nhà chức trách các nước của khu vực đã đưa ra một số cảnh báo mạnh mẽ về những nguy cơ tiềm ẩn của tiền mật mã.
Tờ Jakarta Post cho hay Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đang lên kế hoạch cấm giao dịch tiền ảo từ năm 2018 nhằm bảo vệ đồng nội tệ của mình.
Singapore cũng cho biết trong thông báo vào tuần này rằng các nhà đầu tư sẽ đối mặt với "nguy cơ mất trắng" do tính chất đầu cơ của tiền mật mã. Chính quyền Thái Lan cũng có quan điểm tương tự, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan quan ngại về mối nguy hình thành bong bóng trong không gian tiền tệ kỹ thuật số.