Giới chuyên gia nhận định triển vọng kinh tế trái chiều của Trung Quốc đang phủ bóng lên các đối tác thương mại của nước này. Ảnh: Reuters.
Các nhà máy châu Á chịu áp lực trước nhu cầu thấp của Trung Quốc
Hoạt động sản xuất ở các nhà máy châu Á kết thúc năm 2023 với sự suy yếu do đà phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc, bên cạnh nhu cầu hàng hoá hạ nhiệt trên thị trường.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global công bố cho thấy hầu hết các nền kinh tế châu Á đều chứng kiến lượng đơn đặt hàng và sản lượng ở các nhà máy sụt giảm trong tháng 12.
Chỉ số PMI ngành sản xuất của Đài Loan, thước đo đáng tin cậy của thương mại toàn cầu, giảm xuống 47,1 điểm trong tháng 12, sau khi đạt mức cao nhất trong vòng 8 tháng là 48,3 điểm hồi tháng 11. Đài Loan vốn là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu các mặt hàng nhóm công nghệ lại đang trải qua 19 tháng liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm trong hoạt động nhà máy.
Trong khi đó, PMI của Trung Quốc do Caixin công bố cho thấy, hoạt động sản xuất nước này bật tăng trong tháng 12. Tuy nhiên, chỉ số chính thức do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố lại giảm tháng thứ 3 liên tiếp, chỉ đạt 49 điểm.
Giới chuyên gia nhận định triển vọng kinh tế trái chiều của Trung Quốc đang phủ bóng lên các đối tác thương mại của nước này. “Nhìn chung, triển vọng kinh tế của lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã được cải thiện trong tháng 12 với cung - cầu tăng và mức giá vẫn ổn định”, ông Wang Zhe, Nhà kinh tế học cấp cao tại Caixin Insight Group, cho biết.
Tuy nhiên, việc làm vẫn là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp đang lo ngại về triển vọng và trở nên thận trọng hơn khi tuyển dụng, mua nguyên vật liệu thô và quản lý hàng tồn kho.
Những tháng gần đây, chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Song, những nỗ lực vẫn chưa có nhiều tác động trong bối cảnh thị trường bất động sản sụt giảm nghiêm trọng nợ chính quyền địa phương lớn và nhu cầu bên ngoài yếu.
Hoạt động sản xuất tại Đông Nam Á cũng kém lạc quan, với chỉ số PMI của Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm. Indonesia có chỉ số PMI tốt nhất trong khu vực, với 52,2 điểm còn Philippines là 51,5 điểm. Hoạt động sản xuất ở hai nước này được hỗ trợ chủ yếu bởi nhu cầu của người tiêu dùng nội địa.
Về phía Hàn Quốc, xuất khẩu nước này ghi nhận sự khởi sắc trong tháng 12, mặc dù mức tăng không đáng kể do nhu cầu từ Trung Quốc còn yếu, gây ảnh hưởng đến doanh số chip bán dẫn.
Có thể bạn quan tâm:
Lạm phát sẽ quay về trạng thái bình thường?
Nguồn Reuters