Thứ Bảy | 18/08/2012 14:52

Các nhà lập pháp Anh kêu gọi cải cách ngân hàng sau bê bối lãi suất Libor

Việc cải cách nhằm khôi phục lòng tin với công chúng sau vụ thao túng lãi suất cho vay liên ngân hàng London (Libor).
Trong báo cáo điều tra sơ bộ về vụ Libor công bố hôm nay 18/8, Andrew Tyrie, nghị sĩ thuộc đảng bảo thủ kiêm chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính hạ viện Anh đã kêu gọi "cải tiến khẩn cấp về cả phương thức hoạt động cũng như các quy định về hệ thống ngân hàng" để khôi phục lòng tin của công chúng.

Những cải tiến này bao gồm "nâng tiền phạt đối với các công ty không hợp tác với các nhà quản lý, sự cần thiết kiểm tra lỗ hổng trong luật hình sự và một khuôn khổ quản lý chặt chẽ hơn tại ngân hàng trung ương Anh", nghị sĩ Andrew Tyrie cho biết.

"Gian lận lãi suất đã gây thiệt hại lớn đối với danh tiếng của nước Anh", ông Tyrie nói thêm.

Hàng chục ngân hàng, bao gồm cả JPMorgan Chase và Deutsche Bank đều bị điều tra về việc hạ thấp lãi suất Libor để thu lợi nhuận từ các giao dịch, cũng như che giấu chi phí vay của mình suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Ngân hàng Barclays của Anh đã thừa nhận thao túng 2 lãi suất liên ngân hàng có tầm quan trọng nền tảng với cả thị trường tài chính ở Anh và quốc tế là Libor và Euriror và chấp nhận nộp phạt 290 triệu bảng (453 triệu USD) cho các nhà quản lý của Anh và Mỹ vào tháng 6.

Libor, là một loạt các lãi suất nhằm đánh giá chi phí mà các ngân hàng lớn toàn cầu phải bỏ ra để vay tiền lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng. Theo thời gian, Libor đã trở thành công cụ hàng đầu của Anh và được xem như một chuẩn mực lãi suất trên toàn thế giới.

Libor được tính toán hàng ngày tại London cho USD cũng như các tiền tệ khác, dựa trên ước tính của các ngân hàng về chi phí đi vay ngân hàng khác của họ.

Vụ bê bối này không chỉ có ảnh hưởng lớn tới các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân vay tiền mà còn rung lên hồi chuông cảnh báo thực trạng bê bối của các ngân hàng lớn trên thế giới.

Nguồn AFP/Khampha


Sự kiện