Thứ Năm | 29/11/2012 16:17

Các nhà đầu tư bất đồng về tiềm năng kinh tế của Myanmar

Các doanh nghiệp đầu tư đang hoài nghi với câu hỏi: Liệu Myanmar là một nguồn lợi nhuận khổng lồ hay chỉ là nơi ẩn chứa rủi ro thua lỗ?
Trong những tháng qua, các quỹ đầu tư tư nhân đang tìm cách huy động một lượng lớn tiền mặt để đổ vào Myanmar - quốc gia Đông Nam Á vừa mở cửa trở lại với thị trường quốc tế sau nhiều năm chế độ quân sự nắm quyền. Chỉ khoảng 4 đơn vị được Wall Street Journal đề cập tới để chuẩn bị sẵn lượng tiền hơn 100 triệu USD để đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.

Quả thực, nhiều ngành kinh tế của Myanmar như chăm sóc sức khỏe, bất động sản cùng nhiều doanh nghiệp khác đang trong tình trạng cần vốn đầu tư sau hơn một thập kỷ dưới chế độ quân sự. Đó chính là những cơ hội lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế trong bối cảnh hoạt động đầu tư tại các quốc gia châu Á khác đang trong tình trạng bão hòa.

Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư hồ hởi về tiềm năng lợi nhuận của Myanmar thì nhiều công ty khác, bao gồm cả những tên tuổi lớn như KKR & Co và Blackstone Group LP, lại tỏ ra hoài nghi.

Đối với các tập đoàn đa quốc gia mong muốn tìm kiếm cơ hội tại Myanmar, như Genreral Electrics hay Pepsi, hầu hết chỉ tập trung vào hoạt động sản phẩm chứ không phải đầu tư vốn để xây dựng các nhà máy hay các loại tài sản khác. Nguyên nhân chủ yếu là do các ngân hàng địa phương của Myanmar không có hệ thống cho vay tại chỗ giúp hỗ trợ hoạt động mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.

Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại rủi ro chính trị và kinh tế của Myanmar. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi dai dẳng khiến các nhà đầu tư nước ngoài không dám mạnh dạn đổ tiền vào Myanmar, chẳng hạn như khả năng bảo vệ pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài của chính phủ, hay làm thế nào các quỹ có thể rút đầu tư khỏi Myanmar nếu họ muốn.

Ngoài ra, Myanmar là quốc gia không có thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng cũng khá thô sơ. Những vấn đề này cũng chính là rào cản khiến các nhà đầu tư khó rút tiền từ các khoản đầu tư vào thị trường địa phương.

Bên cạnh đó, giá trị của nhiều tài sản tại Myanmar cũng bị đẩy lên mức cao hơn mức sẵn lòng của nhà đầu tư.

Nhà lãnh đạo của KKR, ông Ming Lu, cũng đồng ý với quan điểm trên và cho rằng nhiều người đổ xô vào Myanmar trong khi thị trường nước này chưa thực sự sẵn sàng.

Tất nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, đều hy vọng Myanmar sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á nếu chính phủ tiếp tục thực hiện các cải cách lớn như hiện tại. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp nhận đầu tư nước ngoài thất bại, đó sẽ là vật cản rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế Myanmar, các nhà kinh tế nhận định.

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm vẫn đánh cược vào mối quan hệ với các doanh nghiệp có uy tín của Myanmar và đặt niềm tin vào một vài cơ hội tốt nhất.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện