Các ngân hàng trung ương theo đuổi biện pháp nới lỏng tiền tệ
Tuy nhiên, tại Nhật Bản, lạm phát có thể sẽ là một giải pháp, thay vì là nguy cơ, sau nhiều năm nền kinh tế nước này bị tác động bởi tình trạng thiểu phát.
Kể từ cách đây 20 năm, GDP danh nghĩa của Nhật Bản đã không tăng, còn tỷ lệ nợ trên GDP lên tới 235% và vẫn tiếp tục tăng.
Trong khi đó, chính phủ Anh dường như đã chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao là cái giá phải trả để "hồi sinh" tăng trưởng kinh tế.
Trong tháng này, ba trong chín thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc BoE, trong đó có thống đốc Mervyn King, đã bỏ phiếu tán thành đề xuất mua thêm trái phiếu theo chương trình nới lỏng định lượng (QE), bất chấp tỷ lệ lạm phát đang vượt trên mức mục tiêu đề ra trong 5 năm.
Nhà kinh tế Simon Hayes, thuộc Barclays Capital, nhận định có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy một số nền kinh tế đang nới lỏng cam kết kiểm soát lạm phát.
Ông Hayes cho rằng không có gì là sai khi các ngân hàng in tiền để mua trái phiếu, trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế. Điều khó là xác định thời điểm ngừng các gói kích thích kinh tế, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách không chắc chắn về khả năng sản xuất của nền kinh tế, cũng như phản ứng của các thị trường tài chính và hộ gia đình khi đối mặt với triển vọng tỷ lệ lãi suất gia tăng.
Ông Hayes nói: "Bản thân QE không phải là vấn đề mà vấn đề là chuyện gì sẽ xảy ra với môi trường kinh tế chung."
Ngày 20/2, các thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã đồng loạt đi xuống, sau khi biên bản cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) được công bố. Theo đó, các thành viên của ủy ban này muốn thu hẹp quy mô hoặc dừng QE, trước khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5%, mục tiêu mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đề ra.
Nhiều nhà kinh tế đánh giá thị trường đã phản ứng thái quá trước thông tin này. Trong khi chuyên gia Andrew Parlin, thuộc công ty đầu tư Kotell Advisors, tin tưởng rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho tới khi nền kinh tế phục hồi vững hơn.
Nguồn Vietnam+