Chủ Nhật | 10/06/2012 15:18

Các ngân hàng trung ương sẽ giải cứu thị trường thêm 1 lần nữa?

Hoài nghi về khả năng các ngân hàng trung ương sẽ vực dậy thị trường tài chính do khủng hoảng châu Âu, nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán.
Năm thứ 3 liên tiếp, thị trường tài chính đang hướng đến một mùa hè trong nỗi sợ hãi rằng gánh nặng nợ nần của châu Âu có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính mới và suy thoái kinh tế Mỹ. Và chủ đề được các nhà đầu tư bàn tán ngày càng nhiều là liệu các ngân hàng trung ương có thể giải cứu họ một lần nữa không. 

Năm 2010 và 2011 đã chứng kiến giá chứng khoán giảm mạnh vào tháng 5 trước những lo ngại về gánh nặng nợ nần của châu Âu. Tuần trước, giá chứng khoán tiếp xu hướng giảm khi số liệu không mấy khả quan về sản xuất và tạo việc làm của Mỹ đang khiến người ta lo ngại nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại.

Hai năm trước, các nhà lãnh đạo châu Âu và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thúc đẩy thị trường bằng các biện pháp kích thích và cung cấp các gói cứu trợ cho ngân hàng châu Âu và chính phủ ngập trong nợ nần.

Người ta lại đang hy vọng những nỗ lực tương tự sẽ được thực hiện vào năm nay, nhưng người ta cũng lo ngại rằng chúng có thể không hiệu quả, ít nhất không bằng trước kia. Giữa bối cảnh bất ổn như vậy, nhiều nhà đầu tư đi đến kết luận rằng giá chứng khoán có thể giảm sâu hơn nữa.

Edgar Peters, chiến lược gia thị trường, đang giám sát 18 tỷ USD tại hãng quản lý tiền tệ First Quadrant ở Pasadena, California, Mỹ, cho biết: “Chúng ta không đủ mạnh để chống suy thoái châu Âu. Và tôi ngày càng ít lạc quan hơn”.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng kinh tế trì trệ và tài chính lộn xộn có thể gây khó khăn cho chiến dịch bầu cử của Mỹ. Sự cạnh tranh giữa 2 đảng chính trị có thể cản trở Quốc hội hành động, gây khó khăn cho Fed và người châu Âu.

Thị trường trái phiếu đạt mức cao chưa từng thấy thậm chí giữa cuộc khủng hoảng tài chính, khi các nhà đầu tư toàn cầu chọn trái phiếu kho bạc Mỹ làm nơi trú ẩn an toàn. Việc này khiến giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn, đẩy lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống 1,467% vào hôm thứ 6, mức thấp nhất từ những năm 1950.

Nhà đầu tư lại kêu gọi Fed bơm thêm hàng tỷ USD vào hệ thống tài chính thông qua việc mua khối lượng lớn trái phiếu, biện pháp được gọi là nói lỏng định lượng. Đây sẽ là chương trình mua trái phiếu lần thứ 3 kể từ năm 2008, do vậy, nhà đầu đầu tư gọi là ý tưởng QE3.

Michael Darda, kinh tế trưởng tại hãng môi giới MKM Partners ở Stamford, Conn, cho biết “Chúng tôi tin rằng QE3 có nhiều khả năng sẽ diễn ra”.

Đầu năm nay, nhà đầu tư Mỹ coi nhẹ các dấu hiệu về tình trạng bất ổn của ngân hàng Tây Ban Nha và việc Hy Lạp phản đối áp dụng các biện pháp khắc khổ vốn mang tính bắt buộc đối với quốc gia tiếp nhận các gói cứu trợ quốc tế. Nhà đầu tư Mỹ nhắc lại rằng các cuộc khủng hoảng trong quá khứ đều được giải quyết thông qua các hiệp ước chính trị của châu Âu và sự hỗ trợ ngân hàng thương mại của ngân hàng trung ương. Và đầu năm nay, nền kinh tế Mỹ dường như đã có dấu hiệu hồi phục.

Tuần trước, một số nhà kinh tế học và chiến lược gia, kể cả ông Michael Darda, tái khẳng định rằng kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng và khó khăn của thị trường Mỹ một lần nữa chỉ mang tính tạm thời. Tuy vậy, điều này chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo nhiều nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán.

Hôm thứ 5, Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), thông báo với Quốc hội châu Âu rằng những gì ECB có thể làm là có giới hạn. Ông thúc giục các nước châu Âu thành lập liên minh ngân hàng và tiến hành các biện pháp khác nhằm thắt chặt quan hệ tài chính, một quá trình có thể rất khó khăn và phức tạp.

Người ta hiện không biết chắc liệu các cuộc bầu cử Hy Lạp vào cuối tháng này có thể thành lập được một chính phủ có khả năng thực thi mọi cam kết thắt lưng buộc bụng, như cắt giảm chi tiêu công, hay không.

Tiếp đến là tin tức không mấy tốt lành về tình hình tạo việc làm và sản xuất của Mỹ. Số liệu cho thấy trong tháng 5 chi tiêu dùng của Mỹ lại tăng nhanh hơn thu nhập. Một số nhà đầu tư kết luận rằng nền kinh tế Mỹ lại phụ thuộc quá nhiều vào nợ tiêu dùng – và có nguy cơ gặp rủi ro nếu châu Âu chìm vào suy thoái.

Bruce McCain, chiến lược gia đầu tư đang quản lý 20 tỷ USD tại Cleveland’s Key Private Bank, cho biết“: Người ta đang nghi ngờ về việc liệu chính phủ châu Âu và toàn cầu có thể cung cấp đủ thanh khoản để ngăn chặn khủng hoảng hay không”. Ông này cũng bày tỏ mối lo ngại rằng giá chứng khoán sẽ tiếp tục giảm.

Các nhà đầu tư vẫn chưa thể quên được sự sụp đổ thị trường năm 2010 và 2011. Và ông Bruce McCain nói thêm rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu một sáng thứ 2 nào đó, thức dậy và biết rằng Châu Âu đã phải tuyên bố một điều gì đó tương tự như việc Bear Stearns và Lehman Brothers Holdings phá sản vào năm 2008.

Không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư đang mong ngóng Fed và ECB giải cứu họ, như đã diễn ra năm 2010 và 2011. Hai năm qua, sau nhiều đợt sụt giảm, sự can thiệp của chính phủ đã trấn an các nhà đầu tư và chỉ số Dow Jones lại tăng.

Thậm chí nếu biện pháp của ngân hàng trung ương không giải quyết được vấn đề nợ nần, thì việc bơm tiền vào hệ thống tài chính, hệ thống mà trước kia được dùng để ổn định thị trường và đẩy giá chứng khoán tạm thời lên cao hơn.

Vấn đề là biện pháp kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương chủ yếu nhằm giảm lãi suất. Với mức lãi suất đang thấp kỷ lục, một số nhà kinh tế học nghi ngờ hiệu quả mà các biện pháp can thiệp có thể mang lại.

Đó là lý do ông , Mario Draghi và chủ tịch Fed, Ben Bernanke, cảnh báo rằng các chính phủ cần phải tiến hành các hành động mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo hiện vẫn tranh cãi về biện pháp nào là tốt nhất.

Nguồn WSJ/DVT


Sự kiện