Thứ Ba | 14/05/2013 13:34

Các ngân hàng trung ương muốn dự trữ tiền tệ của các thị trường mới nổi

Các ngân hàng trung ương muốn bổ sung nhân dân tệ và các đồng tiền thị trường mới nổi khác vào quỹ dự trữ khẩn cấp, khảo sát mới đây cho thấy.
Cho đến nay, các loại tiền được các nước dự trữ nhiều nhất là USD, euro, yên, bảng Anh và franc Thụy Sĩ. Tính đến cuối năm 2012, các đồng tiền khác chiếm khoảng 3,4% tổng số ngoại tệ mà các ngân hàng trung ương nắm giữ, tăng từ mức 1% trong năm 2002. Tỷ lệ này được xem là rất thấp mặc dù các thị trường mới nổi hiện chiếm gần một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát, do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thực hiện, có thể tạo nên một sự thay đổi lớn trong hệ thống các đồng tiền dự trữ của thế giới, các chuyên gia nhận định.

Trong quá trình thay đổi này, ngoài USD, yên và euro, các ngân hàng trung ương sẽ mở rộng và bổ sung thêm một số đồng tiền khác vào kho dự trữ ngoại hối khẩn cấp của quốc gia. Việc các ngân hàng muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ cũng phản ánh những thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh toàn cầu, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản ngày một ảm đạm, đối lập với sự bứt phá nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi.

Đa dạng hóa danh mục dự trữ tiền tệ cũng giúp các ngân hàng trung ương linh hoạt hơn trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, không chỉ các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi, các ngân hàng thế giới cũng đặc biệt chú ý tới đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Khoảng 36% các nhà quản lý ngân hàng trung ương tại các nước phát triển cho biết họ đang cân nhắc bổ sung kho dự trữ ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ.

Hiện tại, Trung Quốc đang không ngừng nỗ lực để quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Khi chính quyền Trung Quốc chính thức dỡ bỏ các hạn chế tiền tệ, đó là cơ hội cho các ngân hàng trung ương thu mua nhân dân tệ. Một số nhà kinh tế như cựu chuyên gia IMF, Eswar Prasad, thì nhận định đồng nhân dân tệ sẽ sớm trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới trong 1 thập kỷ tới.

Bên cạnh Trung Quốc, nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) cũng cân nhắc bổ sung thêm một số đồng tiền khác ở thị trường mới nổi. Điều này sẽ các ngân hàng trung ương tích lũy được khối ngoại hối lớn hơn và an tâm hơn trong việc đối phó với khủng hoảng.

Nguồn WSJ/Dân Việt


Sự kiện