Các ngân hàng trung ương đang thử nghiệm chính sách tiền tệ bằng các gói kích thích
Ước tính từ năm 2007, các ngân hàng trung ương đã bơm cho hệ thống tài chính toàn cầu hơn 11 nghìn tỷ USD. Trong bối cảnh đà phục hồi vẫn vô cùng chậm chạp và kinh tế châu Âu vẫn chìm trong khủng hoảng, số tiền mà các ngân hàng tung ra để vực dậy kinh tế toàn cầu đã tăng lên với tốc độ chóng mặt, trong đó hàng tỷ USD đã được đổ vào trái phiếu chính phủ, các khoản thế chấp và vốn vay kinh doanh.
Trong năm nay, thế giới đã chứng kiến hàng loạt đợt bơm tiền quy mô lớn của các ngân hàng trung ương, điển hình là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) với gói nới lỏng định lượng QE3 - trong đó bơm 40 tỷ USD vào thị trường mỗi tháng. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh cũng đồng ý chi hàng tỷ bảng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình thông qua các ngân hàng. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), dưới áp lực chống giảm phát, cũng đồng ý chi 91 nghìn tỷ yên (1,14 nghìn tỷ USD) cho chương trình mua trái phiếu chính phủ, nợ doanh nghiệp và cổ phiếu.
Trong khi chính phủ các nước, bao gồm cả Mỹ, vẫn loay hoay tìm cách cân đối thu thuế và chi tiêu trong bối cảnh tăng trưởng chậm, thì các ngân hàng trung ương lại tự mình đi theo một con đường riêng, không chịu sự ảnh hưởng các cử tri cũng như các chính trị gia. Có thể nói, chiến lược tiền tệ mà các ngân hàng đang sử dụng không hề có trong bất cứ cuốn sách giáo khoa nào về kinh tế học.
Các ngân hàng thế giới có vai trò là van điều tiết nguồn cung tiền của thế giới. Khi van mở, dòng tiền mới sẽ làm nóng các nền kinh tế, giảm lãi suất và tỷ lệ thất nghiệp, song kèm theo đó rủi ro về lạm phát cũng sẽ tăng cao. Mặt khác, nếu đóng van, lãi suất sẽ tăng, kinh tế hạ nhiệt song lạm phát sẽ giảm.
Chính vì vậy, các ngân hàng trung ương đã cam kết rằng một khi kinh tế toàn cầu có thể tự đứng trên đôi chân của nó, họ sẽ ngay lập tức đóng van để ngăn chặn lạm phát. Tuy nhiên, việc kịp thời hút lại lượng tiền đã bơm ra thực sự là một thách thức về chính trị.
Nếu cách làm của các ngân hàng trung ương là chính xác, họ sẽ giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ kéo dài. Nhưng nếu cách làm đó sai, đây sẽ là khởi nguồn của làn sóng lạm phát hoặc là mầm mống của một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Bên cạnh đó, quyền lực cũng như sự độc lập của các ngân hàng trung ương chắc chắn cũng sẽ bị hạn chế nếu họ thất bại. Đây được coi là 2 công cụ quan trọng nhất của các ngân hàng trung ương trong trường hợp khẩn cấp như khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Giáo sư kinh tế tại Đại học Havard, ông Kenneth Rogoff, cho rằng hiện vẫn chưa thể đánh giá liệu cách làm của ngân hàng trung ương là đúng hay sai, bởi mọi thứ vẫn đang trong quá trình thực hiện. "Các ngân hàng đang chấp nhận mạo hiểm bởi chiến lược mà họ áp dụng chỉ mang tính thử nghiệm", ông nói.
Việc bơm tiền ra thị trường chủ yếu là nhằm giảm chi phí đi vay và kích thích thị trường chứng khoán, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình tăng đầu tư và chi tiêu.
Tuy nhiên, phương pháp này chưa hề được kiểm chứng trên quy mô toàn cầu. Do đó, các cuộc hội đàm bí mật trong năm nay của các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương chủ yếu là nhằm định hình những rủi ro có khả năng phát sinh trong quá trình áp dụng.
Trong cuộc hội đàm hồi tháng 6 năm nay, trước thực tế các ngân hàng tiếp tục tung ra các gói kích thích trên quy mô lớn, tổng giám đốc của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cảnh báo: "Những biện pháp mang tính khẩn cấp như vậy có thể mang lại những tác dụng không mong muốn nếu tiếp tục được sử dụng trong thời gian dài".
Một điều đáng ngại khác đó là việc liên tục kích thích thị trường chứng khoán và giảm bớt chi phí tín dụng sẽ khiến chính phủ các nước không thể đưa ra những quyết định triệt để nhằm giải quyết các vấn đề như thâm hụt ngân sách gia tăng, các nhà phân tích của BIS cho biết.
"Về cơ bản, các ngân hàng trung ương không thể giải quyết được vấn đề về cơ cấu trong nền kinh tế", người đứng đầu bộ phận tiền tệ BIS Stephen Cecchetti cảnh báo. Bên cạnh đó, BIS nhận định các ngân hàng trung ương, trong quá trình tìm kiếm sự tăng trưởng nhanh hơn, đang tự kéo dãn nguồn lực của mình.
Nguồn WSJ/Khampha