Các ngân hàng trung ương đã thay đổi thói quen dự trữ ngoại hối ra sao?
Kể từ năm 2009, khu vực chính thức bắt đầu đẩy mạnh mua vàng, chấm dứt hai thập kỷ liên tục bán ra. Năm 2010, khu vực chính thức đã mua ròng tổng cộng 77 tấn vàng. Lượng vàng mua ròng trong 2 năm 2011 và 2012 còn tăng cao hơn với khối lượng lần lượt 457 và 533 tấn.
Về dự trữ ngoại hối, bao gồm tiền gửi ngoại tệ và trái phiếu của chính phủ khác, vàng và quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Đến cuối quí 1/2013, tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu là 11.087,5 tỷ USD, tăng từ gần 1.000 tỷ USD vào các năm 1991-1993, khoảng 2.000 tỷ USD vào năm 2000 và 4.000 tỷ USD vào năm 2005.
Trong số này, 10 quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất chiếm khoảng 1/3 tổng dự trữ quốc tế. Đứng đầu danh sách là Trung Quốc đại lục (không kể Hong Kong) với khoảng 3.300 tỷ USD (thời điểm cuối năm 2011), tăng từ 18 tỷ USD vào năm 1990 và 146 tỷ USD vào năm 2000. Đứng thứ hai là Nhật Bản với trên 1.300 tỷ USD, những quốc gia còn lại có mức dự trữ ngoại hối dưới 1.000 tỷ USD.
Trong thời kỳ khó khăn, dòng vốn vào không đủ để bù đắp thâm hụt thương mại, điển hình là Ấn Độ và Indonesia. Trong năm 2012, dự trữ ngoại hối của hai quốc gia này bị giảm lần lượt là 3 tỷ USD và 1,4 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đạt đỉnh cao 300,480 tỷ USD vào năm 2010, sau đó giảm dần do hạn hán kéo dài đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và do giá vàng lao dốc. Trong quý I/2013, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ giảm 11,9 tỷ USD (4,5%), trong đó giá vàng giảm 19,5% đã gây tổn thất 4,1 tỷ USD từ 27,8 tỷ USD vào cuối năm 2012. Đến hết tháng 5/2013, giá vàng giảm đã đẩy dự trữ của Ấn Độ xuống còn 287,897 tỷ USD.
Trong trường hợp Indonesia, dự trữ ngoại hối của quốc gia này tăng dần và đạt 110,136 tỷ USD vào cuối năm 2011, sau đó giảm dần xuống 112,78 tỷ USD vào cuối năm 2012 và xuống 98,095 tỷ USD vào cuối quí 2/2013.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, dự trữ quốc tế giảm và tài khoản vãng lai thâm hụt ở mức cao có thể gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ của một số nước thu nhập trung bình như Cộng hòa Nam Phi và Ấn Độ.
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến cơ cấu dự trữ quốc tế. Trong đó, tỷ trọng đồng euro giảm mạnh, nhường chỗ cho một số đồng tiền khác, nổi bật là đô la Canada và đô la Australia với tỷ trọng như nhau là 1,6%, đây là hai quốc gia không bị tác động lớn của biến động kinh tế và tài chính trên thế giới.
Riêng USD vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, tăng từ 60,5% vào giữa năm 2011 lên 62,2% từ cuối năm 2011. Kể từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2012, tỷ trọng USD trong giao dịch thương mại quốc tế tăng 4% lên 76,04%.
Theo báo cáo của WB, trong nhóm các nước xuất khẩu dầu thô và hàng hóa, tỷ lệ các nước có dự trữ ngoại tệ dưới 3 tháng nhập khẩu tăng từ 6,3% vào tháng 01/2011 lên 9,4% vào tháng 9/2012, tỷ lệ các nước có dữ trữ ngoại tệ dưới 5 tháng nhập khẩu tăng từ 12,5% lên 25%. Trong nhóm các nước phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và hàng hóa, tỷ lệ các nước có dự trữ ngoại tệ dưới 3 tháng nhập khẩu tăng từ 14% lên 25%, và nhóm có dự trữ ngoại tệ dưới 5 tháng nhập khẩu tăng từ 44,4% lên 58,3%.
Nhìn chung, mức dự trữ ngoại tệ thích hợp là tương đương 3 tháng nhập khẩu hoặc có khả năng trang trải nợ nước ngoài đến hạn trong năm tài khóa.
Nguồn SBV