Các ngân hàng trung ương "chán" vàng
Các ngân hàng trung ương - đang nắm giữ 32.900 tấn vàng - đã giảm 40% lượng vàng mua vào trong 3 tháng tính đến tháng 6/2016 so với cùng kỳ năm 2015 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Đây là quý giảm thứ 3 liên tiếp, đợt giảm dài nhất trong ít nhất 3 năm qua.
Lượng vàng mua vào năm 2016 giảm khi giá kim loại quý này có mức tăng nửa đầu năm lớn nhất trong vòng 40 năm qua. Lượng vàng mua vào của ngân hàng trung ương các thị trường mới nổi giảm khi nguồn tiền mặt thu được từ xuất khẩu sa sút, theo John Nugee, cựu quản lý tại Bank of England.
Các ngân hàng trung ương có ảnh hưởng tích cực đến giá vàng, nhất là sau khủng hoảng tài chính khi giá vàng tăng lên mức kỷ lục năm 2011. Trước đó, lượng vàng dự trữ của các chính phủ giảm mạnh nhất trong 2 thập kỷ. Nhưng ngân hàng trung ương đã trở thành người mua ròng vàng liên tục trong nhiều năm kể từ đợt bán tháo năm 2008 và tính đến tháng 6/2016, lượng vàng nắm giữ của các ngân hàng trung ương lên mức cao nhất 15 năm qua.
Các ngân hàng trung ương giảm mua vàng trong 3 quý liên tiếp. |
Đà suy yếu lượng vàng mua vào trong thời gian gần đây cho thấy "sự mệt mỏi" của người mua, nhất là các nước có nguồn thu từ xuất khẩu sụt giảm. Tính đến tháng 4/2016, thương mại toàn cầu nói chung đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, theo IMF, trong khi dự trữ ngoại hối giảm 8% so với mức đỉnh 2 năm trước, theo số liệu của Bloomberg.
Lấy Trung Quốc làm ví dụ. Xuất khẩu sụt giảm đã hạn chế nguồn tiền mặt của chính phủ đầu tư vào các loại tài sản như trái phiếu và vàng. Thặng dự tài khoản vãng lai - lên cao nhất 6 năm vào giữa năm 2015 - giảm hơn 3/4 trong năm qua. Dự trữ ngoại hối giảm 1/5 từ mức 4 nghìn tỷ USD năm 2014.
Trong tháng 5/2016, Trung Quốc không mua thêm vàng. Sau khi hồi phục trong tháng 6, lượng vàng mua vào của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) trong tháng 7 ghi nhận tốc độ chậm thứ 2 trong một năm qua.
Theo ông John Nugee, cựu quản lý tại Bank of England và hiện đang điều hành công ty Laburnum Consulting ở London, ngân hàng trung ương các nước mới nổi đang mua vàng như một phần trong chiến lược cân bằng dự trữ ngoại hối - liên tục tăng cho đến năm 2015. Nhưng dự trữ ngoại hối đã giảm đôi chút, do vậy, không còn nhiều dư địa để mua thêm vàng.
Sau khi tăng 25% trong nửa đầu năm nay, giá kim loại quý đang thay đổi nhẹ, giao dịch ở 1.323,38 USD/ounce hôm 29/8, giảm 3,8% so với mức đỉnh của năm hồi đầu tháng 7.
Với việc lĩnh vực xuất khẩu đang chịu áp lực, các nước có thặng dư lớn tài khoản vãng lai, kể cả Trung Quốc và Nga, vẫn cần nhiều phương thức để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.
Trong bối cảnh lợi tức tài sản thay thế như trái phiếu chính phủ đang giảm xuống vùng tiêu cực, vàng vẫn là tài sản phòng hộ đối với nhiều ngân hàng trung ương. Đây là một trong những lý do tại sao đà mua vào vàng vẫn tiếp tục diễn ra, theo WGC.
Nga đã tăng gần 4 lần lượng vàng dự trữ kể từ năm 2005 và lượng vàng nắm giữ đang ở mức cao nhất kể từ năm 1993, theo số liệu của IMF. Nga tăng lượng vàng nắm giữ để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết hồi năm 2015.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, có đến 21 nước từ Mozambique đến Mông Cổ đều tăng lượng vàng nắm giữ. Năm nay, con số này giảm xuống 10 nước với chỉ 4 nước mua vào nhiều hơn 1 tấn. Một số nước đã trở thành "người bán ròng". Dự trữ vàng của Venezuela đã giảm 25% trong nửa đầu năm nay khi phải vật lộn với khủng hoảng ngoại tệ.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg