Các ngân hàng trung ương bán tháo tiền thị trường mới nổi
Theo dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong quý II, dự trữ tiền tệ thị trường mới nổi (chủ yếu là các đồng tiền có tính thanh khoản cao như peso của Mexico, real của Brazil) của các ngân hàng trung ương giảm 30% từ 201,2 tỷ USD xuống 172,9 tỷ USD.
Ngân hàng trung ương ở các nước phát triển bán ròng 27 tỷ USD tiền thị trường mới nổi trong khi ngân hàng trung ương các nước đang phát triển mua ròng 4,2 tỷ USD.
Động thái bán tháo của các ngân hàng trung ương diễn ra cùng với giới đầu tư tư nhân khi các đồng tiền thị trường mới nổi mất giá mạnh do đồn đoán Fed giảm kích thích. Trong quý II, đồng real của Brazil giảm 9,4%, rupee Ấn Độ giảm 8,6%, rand của Nam Phi giảm 6,5% do với USD.
Trong khi bán tháo các đồng tiền nêu trên, các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng dự trữ các đồng tiền như đô la Úc, Canada để đa dạng hóa kho dự trữ bên cạnh USD và euro.
Cũng theo báo cáo của IMF, dự trữ ngoại hối toàn cầu quý II tăng lên 11,1 nghìn tỷ USD, từ 11,09 nghìn tỷ USD. Nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Trung quốc không báo cáo chi tiết dự trữ ngoại hối.
Tốc độ tăng dự trữ ngoại hối ở các nền kinh tế châu Á – khu vực chiếm 60-70% dự trữ ngoại hối toàn cầu có xu hướng chậm lại khi thặng dư thương mại giảm. Dữ liệu mới nhất cho thấy nỗ lực can thiệp thị trường tiền tệ của các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi nhằm bình ổn nội tệ sau khi Fed phát tín hiệu giảm kích thích cho thấy nhà đầu tư muốn rót tiền vào các tài sản rủi ro nhưng cho lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu.
Nguồn FT/Dân Việt