Thứ Tư | 30/01/2013 18:20

Các ngân hàng Trung Quốc "quá lớn để quản lý"

4 ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc hiện có quy mô quá lớn, và gây khó cho các nhà chức trách trong việc quản lý và ngăn ngừa rủi ro.
Mặc dù 4 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đang thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ, song những lỗ hổng trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khiến nhiều người lo ngại nhóm "Tứ đại gia" này có thể trở thành nhược điểm chết người nếu chúng gặp rắc rối.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề của các ngân hàng Trung Quốc chính là chúng quá an toàn - và những ngân hàng này không thể hoạt động 1 cách hiệu quả nếu cứ tiếp tục là những thực thể tài chính "quá lớn để quản lý".

Nhiều nhà phê bình đã lấy lãi suất linh hoạt của Trung Quốc làm ví dụ. Lãi suất của Trung Quốc hiện quá thấp so với lạm phát, có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự can thiệp quá sâu của chính phủ có thể làm nảy sinh thêm những rủi ro khác, chẳng hạn như bong bóng tài sản.

Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng các ngân hàng Trung Quốc đang ngồi trên một núi tiền gửi, điều này có thể khuyến khích một số hành vi sử dụng quỹ sai mục đích do các biện pháp quản lý ở Trung Quốc khá lỏng lẻo.

Các ngân hàng Trung Quốc quá lớn để quản lý 2

Tuy nhiên, lãi suất của Trung Quốc trên thực tế cao hơn khá nhiều so với các nền kinh tế lớn khác. Song sự thiếu chiều sâu trong thị trường vốn cùng sự thống trị của 4 ngân hàng lớn đã làm giảm những lợi ích có được từ cơ chế lãi suất linh hoạt.

Bên cạnh đó, nguy cơ bong bóng bất động sản bùng nổ đã buộc các nhà chức trách Trung Quốc phải kiểm soát vốn chặt chẽ hơn, khiến các nhà đầu tư gặp khó trong việc chuyển vốn ra nước ngoài và buộc phải đầu cơ mạnh hơn vào tài sản trong nước. Hệ quả là, với lượng tiền gửi khổng lồ, các tùy chọn đầu tư của kinh tế Trung Quốc bị hạn chế.

Một vấn đề khác đáng lo ngại hơn đó là ngày càng nhiều công cụ quản lý tài sản cùng ngân hàng và định chế tài chính ngầm xuất hiện ở Trung Quốc. Những đối tượng này giúp mang lại lợi nhuận cao hơn song lại ẩn chứa những nguy cơ tài chính khủng khiếp hơn.

Tuy nhiên, một điều nghịch lý là những thứ ẩn chứa rủi ro như vậy lại nhận được khá nhiều sự hoan nghênh ở Trung Quốc. Giải thích lý do này, các nhà phân tích cho rằng các công cụ quản lý tài sản, các ngân hàng và định chế tài chính ngầm cung cấp cho người gửi tiền Trung Quốc nhiều lựa chọn hơn so với hệ thống tài chính chính thống, quá phụ vào các kênh tiền tệ nhà nước và luôn bỏ qua nhu cầu thiết yếu của các doanh nghiệp tư nhân.

Các nhà phân tích nhận định việc một số người đi vay ở Trung Quốc không thể đáp ứng được các tiêu chí đi vay và đứng trước nguy cơ bị phá sản có thể tạo ra một hoặc hai cuộc khủng hoảng trên quy mô nhỏ. Song đây chỉ là những tổn thất tất yếu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc trong quá trình học hỏi và thử nghiệm. Một khung cơ cấu minh bạch hơn, cùng một khuôn khổ quy định thích hợp hơn là điều cần thiết với hệ thống ngân hàng Trung Quốc vào thời điểm này, song nếu chính phủ cố gắng điều chỉnh quá sớm có thể bóp nghẹt quá trình học hỏi của các ngân hàng, các chuyên gia cảnh báo.

Việc Trung Quốc gặp khó trong việc kiểm soát các ngân hàng lớn cũng tiềm ẩn rủi ro về một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới. Các ngân hàng trong nhóm "Tứ đại gia" thường trả cổ tức rất cao trong khi tỷ lệ cho vay lại khá thấp (nếu không nói là giảm). Ngoài ra, việc các ngân hàng này kiểm soát một lượng lớn tiền gửi có thể tạo sự đố kị từ các ngân hàng khác trong hệ thống. Trong khi đó, nhóm "Tứ đại gia" luôn chủ trương ưu tiên các đơn vị nhà nước và lờ đi các doanh nghiệp tư nhân, điều này có thể gây hại rất nhiều tới uy tín tín dụng của chính phủ Trung Quốc.

Các ngân hàng Trung Quốc quá lớn để quản lý 3

Vậy, những vấn đề lớn nhất của các ngân hàng Trung Quốc là gì?

Thứ nhất và chủ yếu nhất chính là vấn đề quản trị. Các ngân hàng Trung Quốc chịu sự kiểm soát khá lớn của chính phủ, do đó khả năng chống chịu rủi ro và tuân thủ các mục tiêu thương mại còn rất yếu.

Vấn đề thách thức ở đây là, chính phủ Trung Quốc cần tạo ra một hệ thống ngân hàng mang tính cạnh tranh hơn song vẫn chịu sự kiểm soát của nhà nước.

Các nhà kinh tế mới đây đã đề xuất một số biện pháp nhằm cải thiện hiệu suất của các ngân hàng Trung Quốc, chẳng hạn như cho phép tự do hóa sáp nhập với các ngân hàng nước ngoài. Điều này không chỉ thúc đẩy tính cạnh tranh và đổi mới, mà còn tăng cường hiệu suất hoạt động của các ngân hàng nhà nước.

Một biện pháp khác triệt để hơn đó là phá bỏ thế độc quyền của nhóm "Tứ đại gia" và chuyển chúng thành các ngân hàng địa phương nhỏ hơn, giúp làm tăng tính cạnh tranh và cải thiện công tác quản lý. Trong quá khứ, Trung Quốc từng thành công khi áp dụng phương pháp này vào việc chia hãng hàng không quốc gia thành những thực thể nhỏ hơn tại nhiều khu vực, qua đó giúp công tác quản lý từng công ty trở nên dễ dàng hơn.

Các ngân hàng được phân chia có thể sẽ được đặt trụ sở tại các tình khác nhau thay vì tập trung cả ở Bắc Kinh. Các ngân hàng không bị hạn chế hoạt động tại các tình thành, đồng thời có thể mở rộng ra các tỉnh thành khác. Việc phân chia như vậy buộc các ngân hàng phải định hướng thương mại nhiều hơn để tồn tại.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện