Các ngân hàng Thụy Sĩ tiến vào Châu Á
Trong những năm gần đây, Thụy Sĩ đang tích cực hợp tác với chính phủ các nước trong việc thu hồi tài sản không minh bạch. Mới đây, chính phủ Thụy Sĩ và Liên minh Châu Âu EU đã ký thỏa thuận về việc chia sẻ dữ liệu tài khoản khách hàng từ năm 2018 trở đi. Đây là nỗ lực của Thụy Sĩ nhằm xóa bỏ tai tiếng là “thiên đường trốn thuế lớn nhất thế giới”, một tác động tiêu cực từ việc vận hành hệ thống ngân hàng theo bộ luật bí mật tài chính trong thời gian qua.
Trước các động thái phá bỏ bộ luật này, hàng loạt ngân hàng Thụy Sĩ đã đổ xô sang thị trường Châu Á. Điển hình là thương vụ giữa ngân hàng lớn thứ ba Thụy Sĩ - Julius Baer Group Ltd với Merrill Lynch đã làm tăng gấp đôi tài sản của Julius Baer Group Ltd ở Châu Á. Ngân hàng lâu đời nhất thành phố Geneva là Lombard Odier cũng công bố kế hoạch gia tăng 20% tài sản ở Châu Á hàng năm. Một tập đoàn ngân hàng khác tại Geneva là UBP thì đã mua lại công ty quản lý tài sản Coutts International từ tập đoàn RBS, với mong muốn đẩy mạnh công việc kinh doanh tại Trung Đông và Singapore.
Nhìn chung, các ngân hàng tại Thụy Sĩ đang theo bước 2 ngân hàng lớn nhất nước này là UBS và Credit Suisse trong việc tìm cách giảm sự lệ thuộc vào các nguồn tiền gửi từ nước ngoài (offshore). Thay vào đó, họ đang chuyển hướng sang các dịch vụ quản lý tài sản cho giới nhà giàu quốc tế cũng như các quỹ hưu trí lớn ở nước ngoài.
Ông Mark Branson, người điều hành cơ quan giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) cho rằng, việc thay đổi luật bí mật ngân hàng đã mang đến tác động tích cực cho hình ảnh của các ngân hàng Thụy Sĩ trên thị trường quốc tế. Ông Branson nói thêm: “Việc các nhà quản lý và giám sát ở các nước khác đánh giá thế nào về cách vận hành và quản lý ngành tài chính ngân hàng của chúng tôi là một trong những yếu tố sống còn để bảo đảm tính cạnh tranh, nhưng theo tôi thì điều này vẫn đang còn bị xem nhẹ”.
Loan Khưu
Nguồn Bloomberg