Các ngân hàng Thụy Sĩ đối mặt với làn sóng rút tiền
"Hệ quả của việc tổ chức lại trung tâm tài chính và siết chặt quy định nhằm ngăn chặn trốn thuế sẽ khiến hàng trăm tỷ franc chảy ra khỏi các ngân hàng Thụy Sĩ", Juerg Zeltner trong cuộc phỏng vấn với tạp chí ngân hàng Schweizer hôm nay 17/9 cho biết.
"Chúng ta sẽ phải đối mặt với xu hướng rút tiền trong một thời gian khá dài", ông Juerg Zeltner cho biết thêm.
Hãng tư vấn dịch vụ tài chính Zeb/Rolfes Schierenbeck Associates của Đức ước tính đến năm 2016, khách hàng châu Âu có thể sẽ rút 200 tỷ franc trong số 789 tỷ franc tài sản chưa đánh thuế mà các ngân hàng Thụy Sĩ đang nắm giữ.
Ông Zeltner cho biết UBS dự kiến khoảng 200 tỷ franc sẽ bị rút ra trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, khi ngân hàng này đã được gói cứu trợ của chính phủ giải cứu thoát khỏi thua lỗ do các khoản vay dưới chuẩn. Tài sản của các khách hàng đã giảm gần gấp đôi do những biến động của thị trường và tiền tệ.
Bí mật của ngành ngân hàng Thụy Sĩ, yếu tố giúp UBS và Credit Suisse xây dựng được trung tâm 2 nghìn tỷ USD ở nước ngoài đã giúp hệ thống ngân hàng nước này phát triển trong những năm gần đây khi các nước có tình hình tài chính khó khăn phải tìm mọi cách để chống tình trạng trốn thuế.
Trong tháng 4, Đức và Thụy Sĩ đạt được thỏa thuận ngăn trốn thuế, cho phép đánh thuế tài khoản công dân 2 nước mà không cần tiết lộ danh tính của họ. Thụy Sĩ cũng đã ký các thỏa thuận tương tự với Anh và Áo và đang hy vọng sẽ xây dựng kế hoạch với các nước khác trong châu Âu, gồm Hy Lạp và Italia.
Ông Zeltner hy vọng bất đồng giữa Thụy Sĩ với đảng đối lập của Đức về việc trốn thuế sẽ được giải quyết và ngân hàng UBS vẫn có thể hoạt động tại Đức và các nước châu Âu khác, ngay cả sau khi các ngân hàng Thụy Sĩ thua kiện về che giấu hành vi trốn thuế.
Cũng theo ông Zeltner, UBS đang đầu tư ở Đức, Anh và Italia trong khi bù đắp tổn thất bằng cách tiếp tục đầu tư vào các thị trường đang nổi lên như Hong Kong, Singapore, Brazil, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Nguồn Reuters/Khampha