Thứ Năm | 08/11/2012 13:46

Các ngân hàng Phố Wall ảnh hưởng thế nào bởi chiến thắng của Obama?

Dù không thiện cảm với ông Obama, các ngân hàng buộc phải xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các nhà quản lý tài chính mà tổng thống chỉ định.
Tổng thống Barack Obama đã không có được sự ủng hộ của nhiều ngân hàng do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông cũng bị phản đối vì đã thông qua luật cải cách tài chính Dodd-Frank năm 2010 - điều luật đã tìm cách chống đỡ hệ thống tài chính những cũng lấy đi hàng tỷ USD trong lợi nhuận hàng năm của các ngân hàng.

Người đứng đầu đảng Dân chủ đã công khai tuyên bố chán ghét các ngân hàng trên phố Wall - những kẻ giàu có nhận được nhiều đặc quyền đặc lợi. Trong khi đó, các ngân hàng lo sợ sẽ gặp phải nhiều rắc rối phía trước, khi họ không còn khả năng tác động đến quá trình thi hành đạo luật Dodd-Frank.

a

Các ngân hàng có thể cố gắng chống lại các điều khoản của Dodd-Frank và họ đã có được 1 vài thành công. Ngành tài chính cũng có thể gây áp lực buộc các nhà làm luật phải giảm nhẹ một số luật cải cách.

Tuy nhiên, chiến thắng của ông Obama khiến điều này rất khó trở thành hiện thực trong 4 năm tới. Dẫu vậy, theo Frank Keating, chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Mỹ, đó không phải là 1 nhiệm vụ bất khả thi.

Các ông lớn trên phố Wall cũng tỏ ra quan ngại về Elizabeth Warren - người đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Thượng viện tại Massachusetts. Bà Warren có thể thúc đẩy những điều luật về cho vay ngân hàng để bảo vệ khách hàng. Warren đã có công trong việc lập ra Cục bảo vệ người tiêu dùng mà theo những nhà phê bình có thể là gánh nặng cho nền kinh tế với những quy định mới.

Theo Chris Tobe – người đứng đầu Ban cố vấn về giá trị ổn định và là ủy viên quỹ lương hưu quốc gia Kentucky, chiến thắng của Obama cùng với Elizabeth Warren sẽ mang đến nhiều trách nhiệm hơn và những quy định thắt chặt hơn đối với Phố Wall.

Theo tổ chức Center for Responsive Politics, những người đang làm việc trong ngành chứng khoán và đầu tư ở Mỹ đã tài trợ 20 triệu USD cho chiến dịch của ông Romney trong khi chỉ ủng hộ 6 triệu USD cho ông Obama. Cách đây 4 năm, Obama đã nhận được 16 triệu USD và ứng cử viên Đảng Cộng hòa John McCain chỉ được 9 triệu USD.

Quan hệ với các nhà quản lý

Một số người vận động hành lang ngân hàng cho biết họ sẽ tập trung vào những điều luật quan trọng mà Obama mong muốn đưa ra trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình.

Một trong số những khiếu nại nhiều nhất của giới tài chính là luật Volcker – ngăn cản các ngân hàng thực hiện các vụ cá cược lớn trong thị trường tài chính bằng tiền của họ. Bên cạnh đó luật sửa đổi Durbin giới hạn mức phí mà các thương gia phải trả cho các ngân hàng để thực hiện các giao dịch trên thẻ ghi nợ.

Khi những vấn đề chính của luật Dodd-Frank vẫn chưa được giải quyết, các ngân hàng cần quan hệ tốt với những nhà quản lý để tác động đến việc điều chỉnh của họ.

Các chủ tịch thường quyết định chương trình nghị sự ở các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa kỳ hạn (CFTC), vì thế bất kỳ lựa chọn nào của Obama đều có thể ảnh hưởng đến việc các quy định mới được tung ra sớm hay muộn.

Cơ hội cho phố Wall?

Các ngân hàng phố Wall sẽ phải xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn trong 4 năm tới với tổng thống Obama.
Các ngân hàng phố Wall sẽ phải xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn trong 4 năm tới với tổng thống Obama.
Người có quyền lực chủ yếu dưới chướng của Obama phải kể đến là Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner được mong đợi sẽ từ chức, mang lại cho phố Wall cơ hội thiết lập lại các mối quan hệ. Thế chỗ ông Geithner có thể là Chánh văn phòng Nhà Trắng Jack Lew, từng làm việc tại Citigroup Inc.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mary Schapiro còn kéo dài đến tận tháng 6/2014. Tuy nhiên, suy đoán về sự ra đi của bà đã dấy lên trong hơn một năm qua. Tháng trước, bà đã cố gắng bác bỏ những tin đồn, nói rằng bà đã không nghĩ về những kế hoạch hậu SEC.

Các nhà quan sát SEC dự đoán vị trí này có thể thuộc về Ủy viên Elisse Walter, một người bạn thân của Schapiro và là cựu Giám đốc điều hành Cơ quan giám sát tài chính.

Theo luật, Chủ tịch CFTC Gary Gensler sẽ mãn nhiệm vào tháng 4. Việc ông được phép ở lại với cương vị chủ tịch cho đến cuối năm 2013 là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Gensler đã bị đả kích bởi những người thuộc phe Cộng hòa vì việc thực hiện luật Dodd-Frank và bị các nhà lập pháp ở cả hai bên chỉ trích về hướng đi sau sự sụp đổ của các công ty môi giới hàng hóa kỳ hạn MF Global và Peregrine Financial Group.

Một số nhà chính trị thuộc Đảng Dân chủ cũng đã chỉ trích Gensler vì thẳng tay đối với các nhà đầu cơ thị trường dầu mỏ, cùng một số việc đi quá xa đến mức ông không nên ở lại vị trí này.

Mối đe dọa từ "vách đá tài khóa"

Tuy nhiên, phần lớn chương trình nghị sự về những quy định cho Phố Wall chỉ là tạm thời do vách khóa tài khóa đang dần dần hiện ra. Gói tăng thuế và cắt giảm chi tiêu liên bang sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1 trừ khi các nhà lập pháp hành động. Và, ngành ngân hàng lo ngại sự bế tắc trong việc giải quyết vấn đề có thể châm ngòi cho cuộc suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu đến giá trị tài sản và khiến các ngân hàng khó cho vay hơn.

Về lâu dài, những người vận động hành lang ngân hàng và những người phản đối Dod-Frank khác sẽ cố gắng lật đổ một số điều luật bằng chuyên môn của mình.

Paul Atkins, cựu Ủy viên SEC thuộc đảng Cộng hòa, cho biết ông mong muốn những nhà phê bình điều luật sửa đổi Dodd-Frank có thể đạt được một số thành công trong việc thu hẹp những thách thức về pháp lý và tìm ra phương hướng điều tiết cải cách thông qua sự giám sát của Quốc hội.

Ông cho rằng Hạ viện sẽ tiếp tục gây sức ép trong suốt các phiên điều trần như họ đang làm bây giờ và chắc chắn các cuộc tranh đấu sẽ nổ ra.

Nguồn CafeF


Sự kiện