Thứ Bảy | 26/01/2013 08:14

Các ngân hàng Mỹ rúng động vì đợt rút tiền gửi lớn nhất kể từ thảm họa 11/9

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết có một làn sóng rút tiền gửi lớn đang diễn ra. Đây là đợt thoát vốn lớn nhất kể từ thảm họa 11/9.
Trong tuần đầu của tháng 1, đã có khoảng 114 tỷ USD bị rút khỏi 25 ngân hàng lớn nhất của nước Mỹ, khiến số tiền gửi tại các ngân hàng này giảm còn 5,37 nghìn tỷ USD, Fed cho biết.

Các nhà phân tích nhận định làn sóng rút tiền gửi có thể là do chương trình bảo hiểm tài khoản giao dịch (TAG) của chính phủ Mỹ bị chấm dứt vào ngày 31/12 năm ngoái. Những người gửi tiền ồ ạt rút tiền do lo sợ tiền trong ngân hàng không còn được chính phủ bảo hiểm nữa.

Chương trình TAG được chính phủ Mỹ giới thiệu sau khủng hoảng 2008, nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng trước nguy cơ sụp đổ. Chương trình này cung cấp bảo hiểm cho khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong các tài khoản tiền gửi không lãi suất trong ngân hàng, trong đó mỗi tài khoản tối đa là 250.000 USD.

Chương trình này chủ yếu dành cho các ngân hàng vừa và nhỏ do những người xây dựng chương trình tin rằng các ngân hàng lớn có thể tự đối phó với khủng hoảng.

Tuy nhiên, làn sóng rút tiền với tốc độ "đáng lo ngại" thực sự là điều bất ngờ với nhiều nhà phân tích tài chính, bởi tiền chủ yếu bị rút khỏi những ngân hàng được đánh giá là khá an toàn. Một số chuyên gia cho rằng những người gửi tiền rút tiền để chuyển sang các ngân hàng lớn hơn.

Có rất nhiều lý do lý giải cho việc ồ ạt rút tiền của người dân Mỹ. Một số người thậm chí còn cho rằng giờ là thời điểm đầu năm, người gửi tiền có thể cần dùng tiền vào nhiều việc khác nhau. Những người khác lại cho rằng các quỹ tiền đang huy động tiền để đầu tư vào kinh doanh hoặc chỉ đơn thuần là cần tiền.

Các dữ liệu khác từ Fed cũng cho thấy một số khoản tiền gửi đã được chuyển qua lại trong hệ thống ngân hàng.

Nguồn RT/Khampha


Sự kiện