Trung Quốc không còn là ưu tiên đầu tư thuộc top 3 đối với phần lớn các công ty Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

 
Hải Miên Thứ Hai | 22/05/2023 19:00

Các ngân hàng lớn Phố Wall đối mặt thực tế phũ phàng tại Trung Quốc

Trong khi nhiều ngân hàng đang cắt giảm việc làm trên toàn cầu, thì việc cắt giảm ở Trung Quốc là lớn nhất trong nhiều năm.

Hơn ba năm sau khi Trung Quốc mở cửa nền tài chính, giấc mơ kiếm lợi nhuận từ thị trường 60 nghìn tỉ USD của những “gã khổng lồ” Phố Wall giờ đây đã trở nên xa vời  hơn bao giờ hết.

Goldman Sachs và Morgan Stanley nằm trong số các ngân hàng thu hẹp kế hoạch mở rộng và mục tiêu lợi nhuận tại đây, do tình hình địa chính trị ngày càng căng thẳng hơn.

Các động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn đối với nhiều gã khổng lồ ở Phố Wall, trong khi mới 18 tháng trước những đơn vị này vẫn bám sát kế hoạch tiếp quản các ngân hàng lớn của Trung Quốc ngay trên chính sân nhà của họ, và tập trung vào thu hút nhân tài địa phương để củng cố mở rộng. Theo các Giám đốc Điều hành cấp cao, đối với nhiều công ty, giờ đây họ nhận ra rằng cần đánh giá lại nền kinh tế số 2 thế giới vì môi trường kinh doanh tại đây đã suy yếu đáng kể và các cơ hội tốt nhất để kiếm lợi nhuận vượt trội trong nước đã cạn. 

Trung Quốc thống trị

Trung Quốc đã ban hành những chính sách mang tính bước ngoặt sau nhiều thập kỷ đối với các dịch vụ tài chính, cho phép các công ty nước ngoài sở hữu toàn bộ các công ty bảo hiểm, ngân hàng, môi giới và quản lý tài sản, khi Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái mạnh nhất kể từ đầu những năm 1990. 

Tuy nhiên, các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã cố thủ vững chắc trên tất cả các phân khúc, sau khi học hỏi từ các đối tác liên doanh của họ trong nhiều năm, khiến các công ty toàn cầu khó cạnh tranh hơn. 

“Các ngân hàng Trung Quốc hoàn toàn thống trị thị trường,” ông Dick Bove, Nhà phân tích ngân hàng lâu năm kiêm Giám đốc chiến lược tài chính tại Odeon Capital Group, cho biết thêm rằng các công ty trong nước hiện “không cần đến chuyên môn của Mỹ”. 

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, các ngân hàng Phố Wall đã rơi vào thế khó. Đối với họ, Trung Quốc vẫn là một miếng bánh lớn và khó để rút lui, đặc biệt là khi họ đã chi rất nhiều tiền vào thị trường này. Bên cạnh đó, việc duy trì quan hệ tốt giữa các bên cũng trở nên khó khăn hơn với căng thẳng liên tục bùng phát, nhất là khi chu kỳ bầu cử của Mỹ đến gần.

Do đó, các Giám đốc Điều hành ngân hàng đang tăng cường giám sát rủi ro tín dụng và thị trường, đặt ra cho các nhà quản lý cấp cao ở châu Á những câu hỏi về tính thanh khoản và khả năng khách hàng có thể bị Mỹ trừng phạt. 

Ông Chen Zhiwu, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Đại học Hồng Kông, cho biết: “Các ngân hàng ở Phố Wall lẽ ra phải tính đến rủi ro địa chính trị từ lâu. Trong vòng 5 năm tới, kịch bản tốt nhất đối với họ là Trung Quốc đảo ngược hướng đi và quay trở lại với chính sách mở cửa thực sự và cải cách thị trường, phục hồi môi trường kinh doanh. Đây là một kịch bản cực kỳ khó xảy ra nhưng không phải là không thể xảy ra.”

Miếng bánh "khó nuốt"

Các công ty Phố Wall phải đối mặt với những thử thách trên một số mặt trận.

Yếu tố thúc đẩy doanh thu lớn nhất trong những thập kỷ qua, đưa các công ty Trung Quốc lên sàn chứng khoán ở New York, gần như đã cạn kiệt. Chủ tịch Tập đã thắt chặt các quy tắc niêm yết để giữ chân các công ty trong khi Mỹ đưa ra các dự luật kiểm toán mới đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Điều đó đã khiến các đợt chào bán lần đầu ra công chúng bị tạm dừng và khiến một số cổ phiếu nổi tiếng như PetroChina và hai hãng hàng không lớn nhất phải hủy niêm yết ở New York.

Các giao dịch vốn cổ phần của Trung Quốc ở nước ngoài giảm xuống chỉ còn 19 tỉ USD vào năm 2022, so với mức hơn 120 tỉ USD vào năm 2020 và 2021. Trong khi các giao dịch đang bắt đầu tăng trở lại, các chủ ngân hàng cho biết nhiều đợt niêm yết không thể thực hiện vì các nhà đầu tư không muốn mua thêm còn các công ty Trung Quốc không muốn bán thấp.

Các ngân hàng quốc tế cũng ít thâm nhập được vào thị trường nội địa có tính cạnh tranh cao. Goldman đứng thứ 13 trong việc thu xếp bán cổ phiếu ở Trung Quốc vào năm ngoái, xếp sau 12 ngân hàng địa phương. Thị trường trái phiếu nước ngoài, từng là nguồn thu chính cho các công ty bảo lãnh phát hành như HSBC và Goldman, đã sụp đổ sau khi nhiều công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ.

Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát về môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại Mỹ được công bố trong năm nay, do căng thẳng địa chính trị, Trung Quốc không còn là ưu tiên đầu tư trong top 3 đối với phần lớn các công ty Mỹ. 

Có thể bạn quan tâm:

 Nga thừa nhận gặp rắc rối vì doanh thu năng lượng giảm

Nguồn Bloomberg