Thứ Sáu | 08/06/2012 16:37

Các ngân hàng Đức trở thành “nam châm” hút tiền

Khủng hoảng nợ châu Âu leo thang, các ngân hàng Đức trở thành nơi trú ẩn an toàn nhất cho các tiền khoản tiết kiệm của người dân.
Theo số liệu của ECB, tính đến ngày 30/4, tổng lượng tiền gửi tại các ngân hàng Đức đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 2,17 nghìn tỷ euro (tương đương 2,73 nghìn tỷ USD).

Trong cùng thời kỳ này, lượng tiền gửi tại Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ireland sụt giảm 6,5%, rơi xuống mức 1,2 nghìn tỷ euro. Trong khi đó, theo dữ liệu của Bloomberg, lượng tiền gửi tại Hy Lạp sụt giảm tới 16%.

Theo nhận định của Dieter Hein, chuyên gia ngân hàng tại Fairesearch GmbH có trụ sở đặt tại ngoại ô Frankfurt, tất cả mọi người đều nghĩ Đức là đất nước an toàn nhất trong eurozone.

Từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, lượng tiền gửi tại Deutsche Bank đã vượt quá 5 tỷ euro trong khi khoảng 7 tỷ euro được thêm vào các tài khoản tại ngân hàng Commerzbank AG trong 3 tháng đầu năm nay.

Commerzbank thậm chí không cần sử dụng đến thị trường trái phiếu để tái cấp vốn trong năm nay mà vẫn có thanh khoản dồi dào, theo báo cáo được ngân hàng này công bố vào ngày 9/5.

Thêm vào đó, các ngân hàng nước ngoài có chi nhánh đặt tại Berlin cũng được hưởng lợi. Số tiền gửi tại các chi nhánh này đã tăng lên mức 82,9 tỷ euro tính đến hết ngày 30/4 trong khi chỉ đạt 60,4 tỷ euro vào tháng 4/2011.

Tuy nhiên, các ngân hàng Đức cũng phải đối mặt với thử thách trong vấn đề kiếm lợi từ dòng tiền chảy vào ồ ạt để có thể điều chỉnh chi phí nắm giữ tiền trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Đức thấp kỷ lục như hiện nay. Đồng thời, dòng tiền chảy vào thì cũng có thể chảy ra. Các ngân hàng buộc phải đầu tư trong ngắn hạn với mức lãi suất thấp.

Theo Philipp Haessler, chuyên gia phân tích ngân hàng tại Equinet Bank AG đặt tại Frankfurt, các ngân hàng Đức hiện đang gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm các tài sản để có thể đầu tư và cuối cùng khách hàng có thể sẽ phải chịu mức lãi suất thấp. Lãi suất giờ đây không được quyết định bởi lượng cung và lượng cầu mà được quyết định bởi dòng tiền hay chính xác hơn là khủng hoảng. Khủng hoảng càng kéo dài thì càng có nhiều tiền chảy vào Đức và lãi suất càng thấp.

Nguồn CafeF/TTVN


Sự kiện