Thứ Ba | 14/05/2013 08:42

Các ngân hàng châu Âu tăng cường huy động vốn đáp ứng Basel III

Kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà đầu tư có xu hướng tăng tỷ lệ vốn mặc dù điều này đồng nghĩa với lợi nhuận/cổ phần thấp hơn.
Trong vài tuần qua, hầu hết các ngân hàng lớn nhất châu Âu đều công bố đáp ứng đầy đủ tỷ lệ vốn của Basel III, phản ánh áp lực lên các ngân hàng buộc phải đáp ứng các quy định trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2019.

Deutsche Bank gần đây đã hoàn thành việc phát hành 2,96 tỷ euro cổ phiếu mới trong khi đó ngân hàng Commerzbank trong tháng 3 nói rằng sẽ huy động 2,5 tỷ euro. Các ngân hàng Hy Lạp cũng đang huy động vốn từ các nhà đầu tư thương mại để bù đắp 21,7 tỷ euro thâm hụt.

Các ngân hàng của Pháp như Credit Agricole và Societe Generale dự kiến sẽ tăng vốn chủ yếu thông qua việc thay đổi kinh doanh hỗn hợp và tái kiểm tra tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro.

Trong khi đó với sự cho phép của các cơ quan điều tiết của Anh, ngân hàng Barclays và các ngân hàng Anh khác dự kiến sẽ huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu có thể chuyển đổi.

Tỷ lệ vốn cấp I theo quy định Basel III của các ngân hàng lớn trong quý I/2013
Tỷ lệ vốn cấp I theo quy định Basel III của các ngân hàng lớn trong quý I/2013.

Các trường hợp ở Mỹ lại khác biệt khi các nhà đầu tư ngân hàng gây sức ép lên các ngân hàng như JPMorgan, Goldman Sachs và Citigroup nhằm hoàn vốn cho các cổ đông thông qua trả cổ tức cao hơn và mua lại cổ phiếu. Tuy nhiên ở châu Âu, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ, xu hướng tích luỹ vốn vẫn được tiếp tục.

Vì vậy, trên thực tế, 4 trong số các ngân hàng lớn nhất toàn cầu hiện nay huy động vốn tốt nhất là ở châu Âu như UBS, BNP Paribas, HSBC, Deutsche Bank và ở Mỹ chỉ có Morgan Stanley.

Các nhà phân tích tại Citigroup cũng lưu ý rằng có sự phân biệt rõ giữa 2 khu vực Bắc Âu và Nam Âu. Trong khi các ngân hàng khu vực Bắc Âu đã tăng tỷ lệ vốn cấp I lên 17%, các ngân hàng Tây Ban Nha là 8% hoặc ít hơn.

Nguồn FinancialTimes/Dân Việt


Sự kiện