Các ngân hàng châu Âu bắt đầu thực hiện Basel 3
Theo ước tính của Ngân hàng Hoàng gia Anh có trụ sở tại Scotland, cho tới năm 2018, các ngân hàng châu Âu cần giảm 3.200 tỷ euro trong tổng tài sản 32.000 tỷ euro để thực hiện qui định mới về vốn và đòn bẩy tài chính theo tiêu chuẩn Basel 3, được các nhà lãnh đạo châu Âu thông qua và bắt đầu áp dụng từ ngày 01/01/2014. Trong đó, các ngân hàng lớn nhất tại châu lục này sẽ phải giảm tới 661 tỷ euro trong tổng tài sản và tăng thêm 47 tỷ euro vốn tự có trong 5 năm tới nhằm tuân thủ qui định Basel 3 và giảm khả năng phụ thuộc vào các gói cứu trợ. Sau 5 năm kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, các ngân hàng châu Âu dường như vẫn “quá lớn để có thể đổ vỡ.”
Tuy nhiên, qui định mới về vốn gây áp lực lớn nhất lên các ngân hàng nhỏ do phải giảm khoảng 2.600 tỷ euro từ bảng cân đối tài sản, dẫn đến nguy cơ sụt giảm nguồn vốn dành cho khu vực doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, tình trạng nợ xấu ở mức cao vẫn đang trải khắp châu Âu và đe dọa tính thanh khoản của ngân hàng, song các ngân hàng vẫn chưa có đủ vốn để giảm nợ xấu và củng cố năng lực tài chính. Theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương châu Âu, kể từ tháng 5/2012 đến nay, bảng cân đối tài sản của các ngân hàng khu vực euro đã giảm 2.900 tỷ euro.
Deutsche Bank cho biết, ngân hàng này sẽ tìm cách giảm khoảng 20% tài sản trong vòng 2,5 năm tới, tương đương 200-300 tỷ euro. Ngân hàng lớn nhất của Anh, Barclays cũng thông báo đã giảm 5,8 tỷ bảng trong bảng cân đối tài sản vào tháng 7 vừa qua và có kế hoạch giảm tiếp 65-80 tỷ bảng (tương đương 5% tổng tài sản) nhằm đáp ứng tỷ lệ đòn bẩy 3% trên tổng tài sản. Hiện nay, tỷ lệ đòn bẩy của ngân hàng này là 2,2%, nghĩa là còn thiếu khoảng 12,8 tỷ bảng. Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, UBS dự tính sẽ nâng tỷ lệ đòn bẩy thêm 25 điểm cơ bản từ tỷ lệ 2,9% hiện nay, trong khi Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ có ý định nâng tỷ lệ này lên 4,2% vào năm 2019.
Trái với quan điểm tích cực về các qui định mới tại châu Âu, Fitch lại cho rằng, việc các nhà quản lý quá tập trung vào qui mô ngân hàng và tỷ lệ đòn bẩy là sai lầm, có thể khiến các ngân hàng liều lĩnh hơn trong hoạt động, gây rủi ro đối với tài sản của ngân hàng.
Nguồn SBV