Thứ Bảy | 12/04/2014 12:03

Các ngân hàng châu Á “hụt hơi” trước sự bùng nổ dịch vụ gửi tiền trực tuyến

Các ngân hàng của châu Á còn thua xa các ngân hàng khác của thế giới trong lĩnh vực ngân hàng số, theo báo cáo của công ty tư vấn McKinsey.
Theo đó, các ngân hàng châu Á tỏ ra khá chậm chạp và thờ ơ với lĩnh vực ngân hàng điện tử ngay cả khi tầng lớp khách hàng ngày càng giàu có ở khu vực này được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm trực tuyến bao gồm: tiết kiệm, thẻ tín dụng và vay nợ.

Theo một nghiên cứu của McKinsey thì dịch vụ ngân hàng điện tử và ngân hàng trên điện thoại di động trong toàn khu vực châu Á đã tăng đến 35% trong 3 năm vừa qua trong khi số lần đến giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng giảm 27%.

Đối với một số ngân hàng, việc khách hàng có xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến là một mối đe dọa với họ. Tại Trung Quốc, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử như Alibaba và Tencent đã làm “rầu lòng” các ngân hàng lớn khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thường chỉ do các ngân hàng nhà nước cung cấp trong đó có cả dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động và các sản phẩm đầu tư trực tuyến.

McKinsey cho biết đến năm 2020 châu Á có thể có đến 2 tỷ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử - dẫn đầu vẫn là Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Riêng tại Trung Quốc, số khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử được dự báo sẽ tăng từ 380 triệu năm 2012 lên 900 triệu năm 2020.

Ông Kenny Lam – nhân viên của McKinsey làm việc tại Hong Kong cho biết: “Các ngân hàng châu Á vẫn tụt hậu so với các ngân hàng khác trên thế giới trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng điện tử”.

Sự chần chừ này của các ngân hàng châu Á đồng nghĩa mở ra cơ hội cho các ngân hàng phương Tây trong khu vực.

Tại Singapore, Citigroup – ngân hàng có chi nhánh bán lẻ trải khắp thế giới – đang nghiên cứu và đưa vào áp dụng hệ thống tiên tiến trong lĩnh vực ngân hàng điện tử: nhận diện giọng nói.

Hệ thống này sẽ cho phép khách hàng sử dụng dịch vự ngân hàng điện thoại bằng cách nhận diện giọng nói của họ,chấm dứt việc phải nhập password hoặc các mã số cá nhân khác một cách liên tục đồng thời giảm thiểu thời gian để cấp phép cho giao dịch. Hệ thống này cũng đã được thử nghiệm ở Malaysia và Singapore nhằm chuẩn bị cho kế hoạch đưa vào sử dụng đồng loạt cuối năm nay.

Ông Jonathan Larsen – giám đốc toàn cầu khối ngân hàng bán lẻ của Citigroup cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện thí điểm dịch vụ này ở nhiều địa điểm khác nhau. Bạn có thể tưởng tượng một ngày mình sẽ sử dụng giọng nói để giao dịch thay vì phải trải qua các bước xác thực lằng nhẳng – điều này quả là kỳ diệu.”

Được biết, Citigroup không phải là ngân hàng đầu tiên thử nghiệm sử dụng hệ thống sinh trắc học giọng nói. Thực chất, công nghệ này đã tồn tại nhiều thập kỷ nay. Các ngân hàng khác như Barclays và Wells Fargo đều đang xây dựng các chương trình như vậy. Ngân hàng Quốc gia Australia thậm chí còn nghiên cứu từ năm 2012. Các công ty như Nuance Communications Inc. có trụ sở tại Mỹ cũng đã xây dựng hệ thống công nghệ giọng nói có thể sử dụng trong lĩnh vực ngân hàng.

Mặc dù lĩnh vực ngân hàng điện tử có triển vọng rất tốt, lĩnh vực này vẫn còn đang trong thời kỳ sơ khai. Hệ thống nhận diện tự động giọng nói chưa thể được sử dụng tại các cây ATM trong vài năm tới. Người ta vẫn còn nghi ngờ về độ tin cậy và tính hiệu quả của nó trong khi các lãnh đạo ngân hàng cho biết các công nghệ này quá đắt đỏ.

Một mối đe dọa khác là tội phạm công nghệ cao. Theo Symantec thì trong năm 2012, riêng Trung Quốc đã thiệt hại tới 46 tỷ USD do tội phạm công nghệ cao – chiếm 40% tổng số thiệt hại toàn cầu. Ông Kenny Lam cho biết: “Có rất nhiều cơ hội cho các ngân hàng có thể khắc phục được loại tội phạm công nghệ này và rủi ro là không ít cho các ngân hàng nào không theo kịp xu thế.”

Được biết có khoảng 95% giao dịch của Citigroup ở châu Á diễn ra ngoài các chi nhánh của ngân ahngf này trong khi một nửa trong số 16 triệu khách hàng của ngân hàng này trong khu vực sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Trong nỗ lực đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng trực tuyến, Citigroup đã tái định vị lại các chi nhánh bán lẻ của mình tại khu vực trông giống với các đại lý của Apple. Citigroup cũng thuê công ty thiết kết 8 Inc. để cải cách hình ảnh của các chi nhánh. Thay vì hình ảnh thường thấy là các nhân viên ngân hàng và một đống giấy tờ thì hiện nay khách hàng sẽ đặt chân vào chi nhánh được thiết kế hiện đại, nhân viên được trang bị iPad, internet không dây và gần như không có giấy tờ nào được sử dụng.

Ông Jonathan Larsen cho biết: “Tất cả các công ty đều muốn giống Apple. Tuy nhiên rất ít đạt được như vậy và chúng tôi muốn là một phần trong số ít đó.”

Nguồn Theo DVO


Sự kiện