Thứ Hai | 20/08/2012 10:57

Các ngân hàng châu Á cân nhắc cắt quan hệ với đối tác Mỹ

Kế hoạch này nhằm tránh gặp rắc rối khi đạo luật Dodd-Frank có hiệu lực năm 2013. Nếu điều đó xảy ra, chi phí giao dịch của Mỹ sẽ tăng cao hơn.
Bắt đầu từ đầu năm tới, đạo luật Dodd-Frank chính thức có hiệu lực và các ngân hàng không phải của Mỹ, có hợp đồng giao dịch hàng hóa hàng năm trị giá ít nhất 8 tỷ USD, chẳng hạn như hoán đổi lãi suất với các đối tác Mỹ, sẽ trở thành đối tượng áp dụng của đạo luật này.

Một nhà quản lý quỹ tại ngân hàng khu vực châu Á cho biết: "Nếu có sự lựa chọn, tôi không muốn đối đầu với "người Mỹ". Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm một giải pháp tuân thủ đạo luật Dodd-Frank. Tuy nhiên, trong tương lai, có thể chúng tôi sẽ phải yêu cầu các đối tác Mỹ ngừng hoạt động thương mại và khuyên họ tìm đối tác khác".

Cụm từ "người Mỹ" được nhắc đến ở đây có thể coi là một thuật ngữ tương đối rộng, nó có thể được dùng để chỉ một người hoặc một tổ chức nhất định. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo ngại nó cũng có thể dùng để ám chỉ toàn bộ hệ thống thương mại Mỹ.

Đạo luật Dodd-Frank ra đời và được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mục đích của đạo luật là nhằm thắt chặt hoạt động giám sát đối với các hoạt động thương mại phái sinh xuyên biên giới sau một loạt các sự kiện, chẳng hạn như các giao dịch thua lỗ tại văn phòng của JPMorgan ở Anh.

Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng với đạo luật này, ngay cả các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng phái sinh tương đối nhỏ cũng có thể bị ép phải thực hiện các giao dịch trên một sàn điện tử. Các giao dịch này sau đó được đưa vào một trung tâm thanh toán bù trừ do các nhà quản lý Mỹ điều hành.

Điều đó có thể khiến các tổ chức châu Á tức giận và xem xét cắt mọi quan hệ giao dịch phái sinh với các đối tác Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, chi phí giao dịch của Mỹ sẽ tăng cao hơn.

Trên thực tế, rất ít ngân hàng có khả năng cắt tất cả giao dịch với đối tác Mỹ trong dài hạn, bởi lẽ các ngân hàng Mỹ cung cấp rất nhiều thanh khoản cho thị trường, và sẽ rất khó để duy trì hoạt động trên thị trường toàn cầu nếu không có họ, ông Paget Dare Bryan tại công ty luật Clifford Chance, cho biết.

Theo số liệu gần nhất của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tính cả Singapore và Nhật Bản, mỗi ngày có khoảng 143,1 tỷ USD hoán đổi lãi suất được giao dịch mỗi ngày, trong khi đó tại Anh là 1,2 nghìn tỷ USD và Mỹ là 642 tỷ USD. Do đó, vai trò của các ngân hàng châu Á là khá nhỏ.

Các ngân hàng Mỹ thực sự đóng vai trò rất lớn trong thị trường giao dịch phái sinh toàn cầu, bao gồm JPMorgan, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America. Những ngân hàng này chiếm khoảng 37% các hợp đồng đáng chú ý nhất của nước Mỹ, Hiệp hội chứng khoán phái sinh và hợp đồng hoán đổi quốc tế cho biết.

Tuy nhiên, các nhà quản lý Mỹ cho biết các ngân hàng nước ngoài có thể được miễn trừ khỏi một số quy định trong đạo luật Dodd-Frank, với điều kiện các quy định trong quốc gia của họ tương đối tương tự như tại Mỹ.

Tại châu Âu, các nhà điều hành cũng đang soạn thảo những quy định tương tự như Dodd-Frank. Điều đó có nghĩa, khả năng các ngân hàng châu Âu được miến trừ là khá cao.

Tại châu Á, khả năng được miễn trừ rất thấp. Các nhà quản lý tại các thị trường tài chính lớn như Hong Kong và Singapore đã đề xuất thực hiện các quy định mới về việc xây dựng trung tâm ủy quyền thanh toán bù trừ cho một số giao dịch phái sinh trực tiếp. Tuy nhiên, họ lại không chấp nhận thông qua một số đề xuất, chẳng hạn như buộc các giao dịch phải được thực hiện trên các sàn điện tử.

"Xét về mặt nào đó, đạo luật Dodd-Frank khiến việc giao dịch với các doanh nghiệp Mỹ trở nên khó khăn hơn, thậm chí ngay cả với các công ty Mỹ ở nước ngoài. Đơn giản bởi vì khi một công ty châu Á muốn giao dịch với một công ty Mỹ, họ sẽ phải tuân theo quy định của nước Mỹ", đối tác tại công ty luật Cadwalader, Steven Lofchie nhận định.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện