Thứ Tư | 05/12/2012 17:43

Các ngân hàng Anh kêu gọi hỗ trợ giao dịch bằng đồng nhân dân tệ

Các ngân hàng Anh đưa ra yêu cầu được hỗ trợ thực hiện giao dịch bằng đồng nhân dân tệ do mong muốn phát triển hơn nữa tại thị trường Trung Quốc.
Theo tờ Financial Times, trong thời gian qua Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã phải đối mặt với sức ép phải hỗ trợ các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ tại London, trong bối cảnh các ngân hàng đầu tư Anh sẽ nhóm họp trong tuần này để thảo luận cách thức thúc đẩy thị trường Trung Quốc - một trong những quốc gia kiểm soát tiền tệ chặt chẽ nhất thế giới.

Các ngân hàng đầu tư hàng đầu tại London đã yêu cầu BoE cung cấp một đường hoán đổi tín dụng chéo với Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương của nước này). Các ngân hàng tin rằng cách làm này có thể vực dậy niềm tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, những người đang lo ngại các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ có thể gặp những vướng mắc về thanh khoản.

Với thỏa thuận tín dụng chéo này, hai ngân hàng trung ương sẽ đồng ý trao đổi tiền tệ trực tiếp với nhau, sau đó có thể cho các ngân hàng trong nước vay tiền để cải thiện tính thanh khoản.

Hôm qua 4/12, các chủ ngân hàng và các quan chức bộ Tài chính Anh đã triệu tập cuộc họp kéo dài hai ngày để đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, các ngân hàng Anh cũng cố gắng thuyết phục khách hàng sử dụng đồng nhân dân tệ nhiều hơn.

Cũng trong hội nghị tuần này, các ngân hàng sẽ tập trung thảo luận tìm các tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang gặp rắc rối trong việc thanh toán cho các nhà cung cấp Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ giao dịch đồng nhân dân tệ cũng là một trong những ưu tiên quan trọng của Bộ.

Đại diện BoE cũng nhận định việc xây dựng hệ thống trao đổi tín dụng chéo với ngân hàng Trung Quốc có thể giúp khôi phục lại niềm tin của các doanh nghiệp và đầu tư, trong bối cảnh danh tiếng của hệ thống ngân hàng Anh bị sứt mẻ nghiêm trọng sau bê bối lãi suất liên ngân hàng Libor.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện