Các ngân hàng Ấn Độ quan tâm đến địa bàn Myanmar
Các báo Ấn Độ ngày 11/6 cho biết, hai ngân hàng trên của Ấn Độ có kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Myanmar sau khi Thủ tướng Manmohan Singh thăm Myanmar từ 27-29/5.
Một quan chức của Ngân hàng Ấn Độ - ngân hàng cho vay thuộc lĩnh vực nhà nước, có trụ sở chính tại thành phố Mumbai cho biết, kế hoạch thành lập chi nhánh tại Myanmar là một phần trong nỗ lực của ngân hàng này nhằm mở rộng sự hiện diện của họ tại khu vực Đông Á.
Hiện Ngân hàng Ấn Độ đã có các chi nhánh phụ tại Singapore, Campuchia, Việt Nam và Indonesia.
Quan chức này từ chối tiết lộ khung thời gian triển khai kế hoạch này, song cho biết ngân hàng này sẽ trình kế hoạch để Ngân hàng Trung ương Ấn Độ thông qua.
Trong chuyến thăm Myanmar vừa qua của Thủ tướng Manmohan Singh, Exim Bank đã ký với Ngân hàng thương mại nước ngoài Myanmar (MFTB) một thỏa thuận về tín dụng trị giá 500 triệu USD để giúp nước này thực hiện các dự án tưới tiêu, phát triển giao thông đường sắt, điện lực và các dự án hạ tầng khác.
Khoản tín dụng này có thời hạn thanh toán trong 15 năm, trong đó có 5 năm triển hạn và lãi suất hàng năm 1,75%. Exim Bank cũng đã mở rộng bảy tuyến tín dụng, trị giá 247 triệu USD cho MFTB.
Trong khi đó, Ngân hàng thống nhất Ấn Độ - một ngân hàng do nhà nước quản lý của Ấn Độ - có trụ sở chính tại Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengan, cũng đã thành lập văn phòng đại diện tại Yangon, coi như bước đi đầu tiên để thành lập các chi nhánh tại Myanmar.
Ấn Độ đã đề nghị nhận đào tạo các quan chức ngân hàng cho Myanmar.
Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ ký với Ngân hàng Trung ương Myanmar một thỏa thuận về tiền tệ. Mục tiêu của Ấn Độ là nâng tổng kim ngạch thương mại song phương với Myanmar lên 3 tỷ USD vào năm 2015.
Ấn Độ có thể sẽ nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp, than và khoáng sản của Myanmar, trong khi xuất khẩu sang nước này các thiết bị công nghiệp nặng, hóa chất, dược phẩm và hàng dệt.
Nguồn Vietnam+