Các nền kinh tế Trung Đông, Bắc Phi phục hồi chậm
Theo báo cáo "Triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Đông và Bắc Phi" được công bố mỗi năm hai lần, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình ở các nước như Ai Cập, Jordan, Morocco, Tunisia và Yemen được dự báo ở mức 3,6% trong năm tới, tăng so với mức dự báo 2% năm 2012 và 1,2% trong năm 2011.
Trong năm 2010, thời điểm trước khi bùng nổ các cuộc biểu tình chống chế độ ở khu vực, GDP trung bình của khu vực này tăng trưởng ở mức 4,7%. Các chuyên gia IMF nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế tại Libya có vẻ khả quan hơn và có thể đạt mức mạnh năm nay, tăng 17% trong năm 2013 và trung bình khoảng 7%/năm trong giai đoạn từ năm 2014-2017.
Các chuyên gia IMF nhấn mạnh nhu cầu nhập khẩu của nước ngoài giảm cộng với giá lương thực và nhiên liệu leo thang là những nguyên nhân khiến mức thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu của khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn ở mức cao trong năm 2013.
Thâm hụt thương mại của khu vực này được dự báo ở mức tương đương 4,6% GDP trong năm tới, giảm không đáng kể so với mức ước thâm hụt 5,4% GDP trong năm 2012. Theo IMF, một số nước trong khu vực nên cân nhắc một chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, theo đó cho phép đồng nội tệ của các nước này được định giá thấp hơn trên thị trường, nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Cũng theo IMF, đồng nội tệ suy yếu có thể sẽ khiến lạm phát leo thang lên mức 8,6% trong năm 2013, tăng mạnh so với mức 7,8% của năm nay và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. Ai Cập và Morocco là hai nước có tỷ lệ lạm phát tăng cao nhất, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách các nước này đang phải chật vật nhằm cắt giảm khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Tuy nhiên, IMF cũng cho rằng đà tăng trưởng của các nền kinh tế Trung Đông và Bắc Phi có thể sẽ phục hồi tích cực trong năm 2013 nếu tình hình chính trị ở những nước này ổn định trở lại. Năm nay các nước xuất khẩu dầu mỏ thuộc khối Ảrập có mức tăng trưởng GDP 6,6%, trong khi GDP của các nước khu vực phải nhập khẩu dầu chỉ tăng khoảng 2%.
Nguồn Vietnam+