Các nền kinh tế mới nổi châu Á đã sẵn sàng giã từ QE3?
Khả năng cắt giảm nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dội lên trong tuần vừa qua bất chấp sự vắng mặt của chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke tại hội nghị Jackson Hole bởi hai lẽ.
Thứ nhất, tại hội nghị này những bàn bạc về công cụ cắt giảm định lượng bắt đầu được bàn đến và thứ hai, nhiều người cho rằng ông Bernanke muốn để dành những tuyên bố quan trọng vào cuộc họp tháng 9 tới.
Nới lỏng định lượng, chính sách tiền tệ độc đáo này lần đầu tiên được giới thiệu cũng trong một hoàn cảnh đặc biệt khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lên đến đỉnh điểm. Tháng 11/2008, gói QE đầu tiên ra đời và tiếp sau là QE2 và QE3 với mục tiêu nhằm chống đỡ một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể trầm trọng hơn tại Mỹ.
Như mọi công cụ điều chỉnh chính sách tiền tệ khác, QE chắc chắn không thể tồn tại mãi, hồi kết sẽ đến khi những âu lo về cuộc suy thoái đã tiêu tan và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi dần dần.
Tuyên bố quan trọng nhất trong mùa hè năm nay đã được phát đi vào ngày 19/6, khi ông Ben Bernanke thông báo về kế hoạch "giảm dần" nới lỏng định lượng vào cuối năm nay.
Những đồn đoán về sự kết thúc sớm của QE3 khiến cho lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm tăng vọt. Bên cạnh đó, những số liệu tích cực về tăng trưởng kinh tế và việc làm ngày càng cổ vũ mạnh mẽ cho dự báo về hồi kết của QE3.
Dường như ngay lập tức, thị trường mới nổi tại châu Á đón nhận ba tin xấu cùng một lúc. Hai điều không may đầu tiên đều là những yếu tố bên ngoài: dự định cắt giảm QE và việc lãi suất chính phủ Mỹ tăng cao khiến dòng vốn bắt đầu dịch chuyển ra khỏi các thị trường này, đặc biệt những dòng vốn ngắn hạn.
Điều không may còn lại xuất phát từ chính nội tại nền kinh tế, đó chính là xu hướng tăng trưởng kinh tế sụt giảm và đang bộc lộ nhiều khuyết điểm sau thời kì tăng trưởng nóng.
Trước tiên, tuyên bố của Fed nhanh chóng đánh thức làn sóng bán tháo khiến cho các thị trường chứng khoán châu Á liên tục giảm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên khiến cho dòng vốn nước ngoài có xu hướng dịch chuyển đến nơi có lợi suất cao hơn.
Chỉ số căng thẳng tài chính (FSI) sẽ chứng minh điều đó một cách rõ ràng hơn.
Thông thường, chỉ số FSI tăng lên cao nhất mỗi khi khủng hoảng xảy ra. Vùng xám thể hiện hai cuộc khủng hoảng gần đây nhất (khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công châu Âu).
Theo báo cáo mới nhất trong tháng 7 về tình hình căng thẳng tài chính mang tên "Determinants of Financial Stress in Emerging Market Economies" của hai tác giả Rogelio Jr. Mercado và Cyn-Young Park, chỉ số FSI nhích lên trong tháng 6 vừa qua, phản ánh căng thẳng gia tăng trên thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi. Đây cũng là tháng mà bài phát biểu của ông Ben Bernanke tỏ rõ tín hiệu đầu tiên trong hành trình cắt giảm QE3 của Fed.
Sự tháo chạy của dòng vốn khỏi thị trường mới nổi châu Á thể hiện rõ ràng nhất thông qua sức mua của đồng nội tệ. Giảm 6 ngày liên tiếp, hôm 22/8 vừa qua, đồng rupee của Ấn Độ đã có lúc rơi xuống mức 65,56 rupee đổi 1 USD - mức thấp nhất lịch sử của đồng tiền này. Tại Indonesia, đồng rupiah cũng xuống thấp nhất trong 4 năm vào ngày 19/8, tỷ giá tăng lên mức 10.500 rupiah/USD.
Cũng là thị trường mới nổi nhưng ở Nam Mỹ, ngân hàng trung ương Brazil cũng vừa ra quyết định dùng 60 tỷ USD để ngăn đà mất giá của đồng real.
Sự lao dốc của tiền tệ tại các nước mới nổi phản ánh hiện tượng bán tháo nhưng sẽ bớt "đau đớn" hơn nếu nền kinh tế khỏe mạnh, nhưng tiếc là các nền kinh tế mới nổi đều đang vướng vào vũng bùn đại giảm tốc, lạm phát cao.
Điều sắp tới các nền kinh tế này phải đối mặt là sự sụt giá của đồng nội tệ và nguy cơ tấn công tiền tệ. Điều cốt yếu nhất là chuẩn bị kế hoạch chi tiêu hợp lý cho kho dự trữ ngoại hối và những quy định ngăn chặn nguy cơ tháo chạy của dòng vốn trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, yếu tố thanh khoản của các ngân hàng cũng sẽ không thoát khỏi tình trạng căng thẳng do đồng nội tệ mất giá và nhu cầu ngoại tệ mạnh tăng cao.
Trong cơn bĩ cực sắp tới, nền kinh tế mới nổi châu Á cũng sẽ phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng và giảm lạm phát để tình hình ổn định trở lại nếu hồi kết của QE trở thành hiện thực.
Thêm một dự cảm không lành dành cho châu Á, gần đây giáo sư John Taylor tại đại học Stanford, người đã sáng lập bộ quy tắc nổi tiếng Taylor cũng khẳng định, Fed nên bắt đầu việc giảm dần tốc độ mua trái phiếu hàng tháng, càng sớm càng tốt.
Dường như sự kết thúc của QE3 là điều đã được tiên đoán trước. Cho nên nếu thực sự xảy ra, các thị trường mới nổi không nên "sốc" vì quyết định được đưa ra quá bất ngờ, mà nên lên kế hoạch thật kĩ càng để giảm thiểu cơn chấn động khó tránh khỏi trong thời gian sắp tới và những bài học đắt giá về cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á một lần nữa lại đang sống dậy.
Nguồn Dân Việt