Chính phủ Mỹ kỳ vọng khoảng 20% sản lượng chip tiên tiến toàn cầu sẽ được sản xuất tại nước này vào năm 2030. Ảnh: The Economist.

 
Khánh Tú Thứ Năm | 05/12/2024 17:04

Các “mặt trận” mới trong cuộc chiến chip 2025

Mỹ kỳ vọng giành lại vị thế trong ngành chip tiên tiến vào năm 2025, trong khi "cuộc chiến chip" với Trung Quốc ngày càng leo thang.

Ngành sản xuất chip tiên tiến đang trên đường quay trở lại Mỹ vào năm 2025, hơn một thập kỷ sau khi quốc gia này để mất lợi thế trong sản xuất bán dẫn vào tay Đài Loan. Đáng chú ý, người dẫn đầu sự trở lại này không ai khác chính là TSMC, "gã khổng lồ" chip Đài Loan. Nhà máy sản xuất chip hiện đại của TSMC tại Arizona dự kiến đi vào hoạt động trong năm tới. Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 20% sản lượng chip tiên tiến toàn cầu sẽ được sản xuất tại Mỹ.

Khôi phục sản xuất chip tiên tiến không chỉ là chiến lược kinh tế mà còn mang ý nghĩa địa chính trị, nhằm ngăn chặn tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Từ năm 2022, Mỹ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu các chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất sang Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn nội địa. Với việc Tổng thống Donald Trump quay lại và có thể áp dụng chính sách cứng rắn hơn, "cuộc chiến chip" sẽ càng thêm gay gắt trong năm tới.

Cuộc chiến công nghệ leo thang

Hiện tại, các biện pháp kiểm soát của Mỹ tập trung chủ yếu vào các chip chuyên dụng hiệu suất cao phục vụ cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I). Đến năm 2025, Mỹ dự kiến mở rộng lệnh cấm, bao gồm cả chip bộ nhớ băng thông cao (HBM). Điều này sẽ khiến các nhà sản xuất chip Trung Quốc, vốn đã không thể tiếp cận công nghệ tiên tiến, gặp khó khăn lớn hơn trong sản xuất chip A.I mạnh mẽ.

Trong khi đó, Trung Quốc tập trung vào sản xuất các loại chip phổ thông nhưng thiết yếu. Các công ty Trung Quốc đã mở rộng năng lực sản xuất các chip "mature-node", công nghệ cũ nhưng đóng vai trò quan trọng trong các thiết bị điện tử gia dụng như TV và tủ lạnh. Loại chip này chiếm hơn 75% công suất sản xuất bán dẫn toàn cầu.

Năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu lượng thiết bị sản xuất chip trị giá 40 tỉ USD, chiếm 40% doanh số toàn cầu, theo công ty môi giới Bernstein. Đến năm 2025, khi các nhà máy "mature-node" tăng sản lượng, thị trường có thể bị lấn át bởi các loại chip giá rẻ từ Trung Quốc, gây áp lực lên các công ty bán dẫn phương Tây sản xuất chip phổ thông.

Những kết quả trái chiều

Nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến của Mỹ mang lại kết quả chưa đồng nhất. Năm 2023, Huawei giới thiệu chip điện thoại thông minh dựa trên công nghệ 7nm, được cho là hợp tác cùng SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Dự kiến, đến năm 2025, các công ty Trung Quốc có thể sản xuất chip tiên tiến bằng cách tận dụng thiết bị cũ, dù chỉ một phần nhỏ sản phẩm đạt tiêu chuẩn sử dụng.

Trong bối cảnh khan hiếm chip A.I tiên tiến, các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải tập trung vào cải tiến phần mềm, phát triển các mô hình nhỏ gọn và tối ưu hóa hiệu suất từ chip chậm hơn. Cuộc chiến chip không chỉ là xung đột kinh tế mà còn là bài thử lòng trung thành của các quốc gia và doanh nghiệp toàn cầu. Các biện pháp hạn chế, tranh chấp thuế quan và thay đổi quy định sẽ tiếp tục là những yếu tố chính định hình cuộc đối đầu này trong những năm tới.

Có thể bạn quan tâm:

Khí đốt Mỹ và "cuộc chiến thương mại" mới

Nguồn The Economist