Thứ Tư | 04/07/2012 11:06

Các khu nhà ổ chuột đe dọa tương lai đô thị châu Á

Các khu ổ chuột lớn và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng đang là mối đe dọa kép đối với các thành phố ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 3/7, tại Hội nghị cấp cao các thành phố châu Á đang diễn ra ở Singapore, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Helen Clark cảnh báo các thành phố châu Á-Thái Bình Dương cần hành động mạnh mẽ để giúp người nghèo đô thị thích nghi với biến đổi khí hậu, đồng thời nỗ lực giảm lượng khí thải sẽ định hình tương lai của các thành phố này.

Báo cáo của UNDP đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ dễ bị tổn thương của các thành phố châu Á-Thái Bình Dương do biến đổi khí hậu, đặc biệt là người nghèo sống trong các khu ổ chuột. Các thành phố trên toàn cầu sử dụng tới 67% nhu cầu năng lượng toàn cầu chủ yếu từ than, dầu mỏ và khí đốt, các nguồn nhiên liệu thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhu cầu này vào năm 2030 sẽ lên tới 73%.

Chất thải của các thành phố gây ra 3% lượng khí thải toàn cầu. Các thành phố châu Á-Thái Bình Dương ngày càng thải nhiều chất thải cứng do đời sống đô thị được cải thiện. Khu vực này cũng đã đạt được tiến bộ lớn về giảm dân số đô thị phải sống trong các khu ổ chuột nhưng số người hiện còn phải sống trong các khu này vẫn còn hơn 550 triệu người, chiếm 50% dân số sống trong các khu ổ chuột toàn cầu.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách ở các thành phố trong khu vực này cần hợp tác để đối phó với các thách thức khí hậu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị. Đồng thời, các thành phố châu Á-Thái Bình Dương cần quản trị đô thị mạnh để đảm bảo bền vững, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của người nghèo.

UNDP đưa ra Báo cáo về phát triển nguồn nhân lực ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh tương lai của của châu Á-Thái Bình Dương và thế giới là ở các đô thị khi ngày càng nhiều người đến các đô thị để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn, cùng với đó là tiến trình đô thị hóa nhanh chóng. Hơn 50% trong 20 siêu thành phố hàng đầu thế giới với số dân từ 10 triệu người trở lên là ở châu Á.

Vào năm 2026, dân số châu Á có thể đạt tới bước ngoặt là hơn 50% dân số sống ở đô thị và vào năm 2050, tỷ lệ này lên tới gần 70%. Cộng đồng dân cư đô thị nghèo ở các nước châu Á-Thái Bình Dương sống tập trung đông đúc trong các khu ổ chuột tạm bợ dọc theo các con sông và đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu. Các thành phố châu Á thường có mật độ dân số cao trung bình 6.500 người/km2 so với 4.500 người/km2 ở Mỹ Latinh và 4.000 người/km2 ở châu Âu.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện